Sẵn sàng hỗ trợ sĩ tử đạt kết quả cao kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

05/08/2020 16:33

Kinhte&Xahoi Làm thế nào để các sĩ tử vượt qua kì thi? Chuẩn bị những gì để các em có tâm lý thật thoải mái? Cách làm bài như thế nào là hiệu quả? Đó là những thắc mắc của nhiều bạn trẻ trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Tối 4/8, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến Tiếp sức mùa thi năm 2020 “Hãy tự tin - Chúng tôi đi cùng bạn”.

Chương trình có các vị khách mời: TS Lê Bá Trần Phương - Trưởng khoa Khoa học cơ bản trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - chuyên gia tư vấn ôn thi; TS Lê Thị Thanh Thuỷ - giảng viên Khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - chuyên gia tư vấn tâm lý; Bạn Trần Thị Hà - sinh viên Học viện Tài chính - một trong những thí sinh có kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội tặng hoa các vị khách mời

 Hệ thống kiến thức thế nào cho hiệu quả?

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp.

Trong 2 ngày 9 - 10/8, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra với 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong đó, thí sinh thi 3 bài thi độc lập và chỉ được quyền chọn thi một trong 2 bài tổ hợp; Đòi hỏi khối lượng kiến thức cần được tổng hợp, hệ thống trong cùng một thời điểm khá lớn.

Rất nhiều sĩ tử băn khoăn về phương pháp học khi cận ngày thi, hệ thống kiến thức như thế nào cho hiệu quả? Theo TS Lê Bá Trần Phương, thí sinh nên chuẩn bị tốt những vấn đề sau: Trước hết các em phải tạo cho mình tâm lý thoải mái, tự tin vui vẻ, không áp lực. Những năm trước đây, khi kỳ thi sắp diễn ra, trên mạng xã hội thường xuất hiện thông tin đề thi lộ, khó, không công bằng… Những thông tin đó không chính xác, thí sinh không nên quan tâm để khỏi bị ảnh hưởng tư tưởng.

Sức khỏe là tiền đề rất quan trọng để các em làm bài thi tốt. Vì thế, thí sinh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giờ, tránh học thêm nhiều để không mệt mỏi; Lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi thì tư duy, tính toán, làm bài sẽ không tốt.

Có một thực tế, khi vào phòng thi, thí sinh thấy có câu hỏi lạ mình chưa tiếp cận bao giờ nên hay bị cuống, rối, làm tâm lý bất an; Hay tình huống trong quá trình ngồi giải bài, có thể thí sinh cảm thấy nóng, tính toán sai, tâm trạng không bình thường… Khi gặp trạng thái như thế hãy bình tĩnh, các sĩ tử dừng nghỉ một chút để cho tinh thần thoát ra khỏi trạng thái lo lắng, luống cuống...

Các vị khách mời tại chương trình

TS Phương cũng cho rằng: Chỉ còn 4 ngày sẽ diễn ra kỳ thi, các em không nên tập trung cao độ trong việc ôn luyện nữa, lúc này chỉ đọc lại, rà soát kiến thức. Căn cứ theo phom kiến thức trong đề thi tham khảo của Bộ, còn lại 20% câu hỏi ở mức độ khó thì môn Toán sẽ tập trung vào các nội dung giải thích: Tính đơn điệu, cực trị của hàm số, tương giao giữa 2 đồ thi; Nguyên hàm… Môn Hình học sẽ ở nội dung: Góc, khối đa diện, tính thể tích… Lúc này, chúng ta rà soát kiến thức nhẹ nhàng một lần nữa, không nên học theo kiểu cày ngày, cày đêm sẽ không hiệu quả.

Khi làm bài, thí sinh cần có nền tảng kiến thức, tư duy tốt; Hãy chủ động, tích cực tư duy để có những đáp án nhanh, chính xác.

Một vấn đề nữa được các vị khách mời lưu ý, kỹ thuật nhỏ khi làm đề thi trắc nghiệm là thí sinh không nên để trống, đọc đề kỹ vì thời gian còn nhiều, nếu chưa có câu trả lời chắc chắn thì khoanh lại để đó, làm xong các câu khác quay lại trả lời tiếp…

Mang theo mơ ước...

 Trước ngày thi, tâm lý thí sinh thường hoang mang, lo lắng, hồi hộp, chưa kể trước đó là một thời gian dài ôn thi căng thẳng. Tại chương trình, nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi: Gần đến ngày thi, tôi thấy lịch ôn thi của cháu dày đặc, con tôi thường mệt mỏi, thiếu ngủ, bị giảm cân. Vậy, ăn uống như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho các sĩ tử và thức ăn gì có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho tư duy, trí nhớ…?

Theo TS Lê Thị Thanh Thủy - giảng viên Khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - chuyên gia tư vấn tâm lý, trước việc quan trọng thì ai cũng lo lắng. Vì vậy, các em cần đọc trước nội quy, quy chế thi, chuẩn bị sẵn giấy tờ và đến điểm thi sớm…

"Các em hãy cố gắng giữ bình tình bằng cách mang theo ý tưởng, ước mơ của mình. Nhiều em khi thi lo lắng có làm được bài không, thi xong thì lại lo không biết có đỗ không… Theo tôi, đây là một là kỳ thi quan trọng nhưng thi cử không phải là tất cả, có nhiều cách, nhiều con đường đi đến thành công. Các em có thể làm lại tất cả thứ mà mình mong muốn, suy nghĩ này sẽ giúp các em bớt căng thẳng”, TS Lê Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

TS Thủy cũng đưa ra lời khuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, Vitamin rất cần thiết giúp chúng ta có tinh thần thoải mái, không mệt mỏi, làm bài sẽ tốt hơn. Con người luôn có 2 trạng thái tâm lý: Hưng phấn và ức chế. Thí sinh phải giữ trạng thái cân bằng, đừng học nhiều sẽ dẫn đến mệt mỏi. Thí sinh không dùng chất kích thích như nước có gas, cà phê… vì những thứ này có thể làm chúng ta tập trung lúc đó nhưng hôm sau rất mệt mỏi. Trước khi đi ngủ các em có thể đọc qua bài 1 chút, ôn thi trong lúc não ngủ sẽ tiếp thu tốt hơn…

Bạn Trần Thị Hà, sinh viên Học viện Tài chính chia sẻ kinh nghiệm: “Còn vài ngày là bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời, các bạn hãy cố gắng cân bằng ôn tập và nghỉ ngơi, chỉ nên ôn tập nhẹ nhàng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, vở ôn, giữ sức khỏe thật tốt, tâm lý thực sự thoải mái khi bước vào kỳ thi.

Bản thân tôi chọn cách khi nào thấy mệt mỏi, ra khỏi chỗ học, hít thở không khí nhưng tuyệt đối không cầm điện thoại, chơi game… Tôi làm những điều tốt nhất để đảm bảo sức khỏe của mình”.

Sàng sàng hỗ trợ sĩ tử

Hiện đang trong giai đoạn 2, Thành đoàn Hà Nội - Hội Sinh viên Thành phố đã kêu gọi và nhận được nguồn lực xã hội hóa phục vụ chương trình tiếp sức mùa thi, bao gồm: 210.480 chai nước các loại (của công ty Pepsico, nhãn hàng nước khoáng Oris, công ty Nestle), 2 booth Thiên Long (gồm 600 bút bi, 600 bút chì, 120 thước kẻ, 600 gôm, tẩy); 10 quầy phát nước lạnh của Oris, 1.300 mũ, 150 dù che; 1.500 quạt cầm tay, 6.864 chai gel rửa tay sát khuẩn Lifebuoy.

Để hỗ trợ các thí sinh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố đã có những phương án cụ thể chỉ đạo các cơ sở trong việc triển khai chương trình tiếp sức mùa thi theo tình hình thực tế.

- Tổ chức chương trình “Tư vấn trực tuyến Tiếp sức mùa thi 2020” trên fanpage Thành đoàn Hà Nội và fanpage Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội.

- Trang bị cho 143 điểm thi gel rửa tay khô sát khuẩn, tổ chức phát khẩu trang miễn phí, tiến hành đo thân nhiệt tại các điểm thi cho tình nguyện viên, thí sinh và người nhà thí sinh.

- Yêu cầu lực lượng tình nguyện viên đeo khẩu trang, găng tay y tế trong quá trình phát nước và các vật phẩm thiết yếu phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh. Các lực lượng này đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi làm nhiệm vụ.

- Vận động người nhà thí sinh trong thời gian làm bài nên di chuyển về nhà, không tập trung đông người trước khu vực cổng trường.

- Nhắc nhở thí sinh và người nhà thí sinh đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đầy đủ và giữ khoảng cách an toàn. 

 Đình Trung - Theo TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/san-sang-ho-tro-si-tu-dat-ket-qua-cao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-142396.html