Tăng cường hậu kiểm chất lượng bánh Trung thu

26/09/2020 10:38

Kinhte&Xahoi Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với bánh trung thu gồm bánh nướng (TCVN 12940:2020) và bánh dẻo (TCVN 12941:2020). Đại diện Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, để giám sát chất lượng sẽ tăng cường hậu kiểm.

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng bánh Trung thu tại các cơ sở sản xuất. 

Theo tiêu chuẩn quốc gia, đối với bánh trung thu, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 (tiêu chuẩn áp dụng cho đường tinh luyện sản xuất trực tiếp từ mía, từ đường thô hoặc các nguyên liệu khác), hoặc TCVN 7968 (tiêu chuẩn áp dụng cho các loại đường dùng được sử dụng mà không cần chế biến tiếp theo, bao gồm các loại đường được bán trực tiếp cho người tiêu dùng và đường được sử dụng như là thành phần trong thực phẩm) CODEX STAN 212;

Bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152) áp dụng cho bột mỳ sử dụng trực tiếp làm thực phẩm, được chế biến từ hạt lúa mì thông thường; dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Đồng thời, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh trung thu (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, nhu cầu tiêu dùng bánh kẹo đặc biệt bánh trung thu vào thời điểm này tăng lớn. Nhiều cơ sở nghỉ cả năm nhưng chỉ sản xuất một vụ. Có những cơ sở sản xuất và xuất khẩu hàng nghìn tấn bánh trung thu. Vì thế, nhu cầu sản xuất, nhập khẩu được các cơ sở đẩy lên công suất tối đa.

Tuy nhiên, với đặc thù sản phẩm tiêu thụ lớn, các cơ quan chức năng phải có kế hoạch chủ động. Việc quan trọng đầu tiên là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ thanh, kiểm tra điều kiện sản xuất, sử dụng phụ gia thực phẩm, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu của các cơ sở sản xuất, vấn đề tự công bố.

Hiện nay Chính phủ cho phép các đơn vị sản xuất tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, các cơ quan chức năng thực hiện công tác hậu kiểm. Theo đó, các sản phẩm bánh trung thu không phải đăng ký bằng công bố mà tự công bố chất lượng theo mức an toàn mà Bộ Y tế đã ban hành ngưỡng giới hạn an toàn với các sản phẩm an toàn, trong đó có sản phẩm bánh kẹo, bánh trung thu với các chỉ tiêu về kim loại nặng, vi sinh nằm trong giới hạn cho phép.

“Tự công bố về chất lượng và an toàn nhưng không có nghĩa doanh nghiệp thích công bố thế nào thì công bố. Công bố ở ngưỡng an toàn phải nằm ở dưới ngưỡng an toàn mà Bộ Y tế đã ban hành với các nhóm sản phẩm”, TS Phong cho hay.

Về lĩnh vực bánh kẹo, theo quy định của Chính phủ do Bộ Công Thương quản lý. Bộ Công Thương đã chủ động thanh, kiểm tra bánh kẹo trong đó có bánh trung thu. Với trách nhiệm thường trực ban chỉ đạo liên ngành, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và các bộ, ngành tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tết trung thu, tập trung vào các cơ sở sản xuất bánh kẹo, thanh – kiểm tra về điều kiện sản xuất, sử dụng phụ gia, vệ sinh cá nhân, vấn đề tự công bố…

Quan trọng nhất của việc hậu kiểm là tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các phòng kiểm nghiệm ưu tiên kiểm nghiệm mẫu, kết quả phải trả nhanh và nếu kết quả không đạt, yêu cầu dừng lưu thông ngay, tránh tình trạng sau trung thu mới có kết quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã làm thủ tục tự công bố, bày bán ở nơi bảo đảm vệ sinh. Các địa phương, nhất là địa phương có cửa khẩu tăng cường thanh kiểm tra, giám sát sản phẩm nhập lậu với sản phẩm bánh kẹo trong đó có bánh trung thu, TS Nguyễn Thanh Phong nói.

Theo TS Ngô Thị Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, các tiêu chuẩn quy định theo Tiêu chuẩn Việt Nam sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.

Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này.

Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật An toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Trước đây, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, nên việc quản lý chất lượng được vận dụng từ các văn bản của các bộ chuyên ngành. Hiện nay, tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động quản lý sản phẩm này” TS Ngô Thị Ngọc Hà nói.

 Hà Thanh - Theo Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://vietq.vn/tang-cuong-hau-kiem-chat-luong-banh-trung-thu-d178892.html