Tăng cường kiểm tra, chịu trách nhiệm trước UBND TP khi xảy ra cháy nổ trên địa bàn

26/12/2022 18:58

Kinhte&Xahoi Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, trong dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch 2023 cũng như Tết Nguyên đán Quý Mão, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố khi xảy ra cháy nổ trên địa bàn.

Chiều 26/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đợt rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố và triển khai Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 24/10/2022 về thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội đã báo cáo tóm tắt Tổng kết thực hiện Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC; Triển khai Kế hoạch thực Nghị quyết 05 của HĐND thành phố.

Theo đó, tính đến ngày 12/12/2022, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn thành phố là 159.990. Kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho thấy, các đơn vị đã kiểm tra 160.212 lượt cơ sở (đạt 100,16% chỉ tiêu), trong đó, kiểm tra 19.986/19.955 lượt cơ sở do cơ quan Công an quản lý (đạt 100,16% chỉ tiêu); 140.224/140.035 lượt cơ sở do UBND cấp xã quản lý (đạt 100,14% chỉ tiêu); 42.393 cơ sở đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy; 10.188 cơ sở phải dừng hoạt động.

Lực lượng chức năng thành phố đã xử phạt 7.334 cơ sở, 9.037 hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, phạt tiền trên 72 tỷ đồng; Tạm đình chỉ 1.678 cơ sở; Đình chỉ 1.304 cơ sở; Ban hành 31.950 văn bản kiến nghị về phòng cháy, chữa cháy.

Sau 2 tháng triển khai thực hiện, thành phố Hà Nội đã hoàn thành trước thời hạn 100% chỉ tiêu rà soát, kiểm tra theo yêu cầu của Bộ Công an.

Tính đến ngày 15/12/2022, thành phố Hà Nội có tổng số 1.624.477 nhà ở hộ gia đình, trong đó, có 1.499.415 nhà ở riêng lẻ, 125.062 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị đã vận động, hướng dẫn 125.062/125.062 (đạt 100%) các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh mở “lối thoát nạn thứ 2”, trong đó, 114.925/125.062 (đạt 91,9%) đã mở lối thoát nạn thứ 2; 1.379.461/1.499.415 (đạt 92%) hộ gia đình đã mở “lối thoát nạn thứ 2” để thực hiện phòng cháy, chữa cháy.

Về kết quả kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố, các đơn vị đã kiểm tra, rà soát 100% cơ sở trên toàn thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại có 1.538 cơ sở, trong đó, có 733 cơ sở do cơ quan Công an quản lý, 805 cơ sở do UBND cấp xã quản lý; Quá trình kiểm tra đã xử phạt 423 trường hợp với số tiền phạt trên 4,6 tỷ đồng; 100% cơ sở đã có văn bản, kiến nghị yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục; Ban hành 571 quyết định tạm đình chỉ, 568 quyết định đình chỉ hoạt động.

Báo cáo cho thấy, một số đơn vị triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an, UBND thành phố còn chậm muộn. Một số xã còn giao khoán cho lực lượng Công an. Một số đơn vị chưa thực hiện thường xuyên công tác điều tra cơ bản, rà soát địa bàn, dẫn đến số liệu thời điểm ban đầu chưa chính xác, không được cập nhật kịp thời, không phản ánh đúng tình hình thực tế địa bàn…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn biểu dương, đánh giá cao các đơn vị của thành phố đã vào cuộc quyết liệt trong đợt tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thời gian qua.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để triển khai thực hiện đồng bộ.

Đối với việc khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động và công trình sai phạm về xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo quyết liệt; Phải có giải pháp để giải quyết căn cơ và bài bản về vấn đề này.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-kiem-tra-chiu-trach-nhiem-truoc-ubnd-tp-khi-xay-ra-chay-no-tren-dia-ban-214321.html