Thanh toán vốn đầu tư công đạt 36,4% kế hoạch

13/08/2023 08:15

Kinhte&Xahoi Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng đầu năm, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, thanh tra kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện đúng kế hoạch.

Sau 7 tháng, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 tăng 4,6%

Cụ thể, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương gần 900 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Tính đến ngày 31/7/2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện kiểm soát đạt 537.655 tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của ngân sách Nhà nước (NSNN) qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng); so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 16.313 tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 1,5% (cùng kỳ năm 2022 bằng 46,9% so với dự toán).

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 47 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính đến ngày 31/7/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 là 242.855,8 tỷ đồng; bằng 36,4% kế hoạch năm 2023 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao; cao hơn 4,6% so với cùng kỳ năm 2022 (thanh toán đến ngày 31/7/2022 là 167.037,8 tỷ đồng, bằng 31,8% kế hoạch vốn năm 2022 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao); bằng 34,0% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm (kế hoạch là 714.008,9 tỷ đồng).

Thu nộp NSNN trên 9.700 tỷ sau công tác thanh tra

Trong 7 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 39.511 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 427.105 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 611 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 49.478,8 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong kỳ 9.754,7 tỷ đồng.

Theo đó, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 38.224 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 427.105 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 43.349 tỷ đồng, trong đó: tiền truy thu, truy hoàn là 7.334 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ là 33.084.140 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.929 tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN là 7.276 tỷ đồng.

Cơ quan Hải quan thực hiện 97 cuộc thanh tra chuyên ngành (gồm 21 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 76 cuộc triển khai trong kỳ).

Kết quả tổng số tiền kiến nghị truy thu là 79,4 tỷ đồng, trong đó kiến nghị về thuế 69,1 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính là trên 10,2 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 152,6 tỷ đồng.

Không có trường hợp hồ sơ quá hạn

Công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính luôn được tiến hành thường xuyên. Trong 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành 09 Quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế 17 thủ tục hành chính (TTHC); bãi bỏ 12 TTHC và ban hành mới 03 TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan và giá.

Tính đến ngày 31/7/2023, Bộ Tài chính có 774 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 318 DVCTT toàn trình, 78 DVC một phần và 378 DVC cung cấp thông tin cho tổ chức cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 300 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính ổn định, hiệu quả. Tính từ ngày 01/1/2023 đến ngày 31/7/2023, đã tiếp nhận 698 hồ sơ, trong đó đã trả kết quả 416 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 282 hồ sơ và không có hồ sơ quá hạn

Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/thanh-toan-von-dau-tu-cong-dat-364-ke-hoach-d197337.html