Thí điểm xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch: Tại sao vẫn còn hoài nghi?

12/06/2019 15:16

Kinhte&Xahoi Sau khi “Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor” khởi động, khu vực tiến hành thí điểm đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong khi đó, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của công nghệ này.

Công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản được thử nghiệm trên đoạn sông Tô Lịch dài 300 mét

Thực tế qua quan sát của phóng viên, đoạn sông Tô Lịch gần nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt, nơi được chọn để thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, mùi hôi thối đã được giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, mặt nước không còn xuất hiện váng đen như thời điểm trước khi đặt máy. Theo kết quả đánh giá thử nghiệm của các chuyên gia, độ dày bùn tại khu vực các điểm lắp đặt giảm từ 10 đến 20 cm.

Đề cập đến giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, một chuyên gia lĩnh vực xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường cho rằng, giải pháp trên là xử lý ô nhiễm tại chỗ, cục bộ chỉ có thể áp dụng với những ao hồ hẹp có có mực nước đứng yên. Với sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14 km, nước liên tục chảy, nguồn chảy lại từ các mương, cống xả nước thải của người dân thì giải pháp này chưa thật phù hợp.

Chia sẻ trên báo chí, PGS.TS Phạm Hoàng Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững cũng tỏ ra hoài nghi về công nghệ này: “Quan điểm của giới khoa học chúng tôi trước hết là mừng, nếu công nghệ này thành công thì quá tốt. Tuy nhiên, trao đổi với nhiều giáo sư, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này, chúng tôi đều thống nhất là phải tách nước thải thì mới giải quyết được cốt lõi vấn đề”, ông nêu ý kiến.

Đa số các chuyên gia môi trường trong nước đều cho rằng để xử lí ô nhiễm tại sông Tô Lịch giải pháp cần làm là tách được nước thải sinh hoạt và nước sản xuất đầu nguồn. Trước đây cũng có ý kiến đưa ra một số giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch. Cụ thể, giải pháp đầu tiên là xử lý được nước thải sinh hoạt, sản xuất tại nguồn; giải pháp thứ hai là khai thông dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Với giải pháp thứ nhất, TP phải thu gom, xử lý được triệt để nước thải ra sông Tô Lịch; trong thời gian chưa xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý này TP nên thực hiện giải pháp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm khi yêu cầu xây dựng các hố ga (thu nước) tại mỗi gia đình, cơ sở sản xuất.

Có thể thấy rằng, những hoài nghi của các nhà khoa học trong nước dường như đi ngược lại hiệu quả mà công nghệ này đang mang lại cho đoạn sông thử nghiệm. Trước nhiều ý kiến trái chiều, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng: “Công nghệ chúng tôi không phải xử lý ở phần ngọn của vấn đề, mà xử lí ô nhiễm ở cả 2 phần: Nước thải chảy vào hàng ngày và ô nhiễm bên trong nguồn nước. Đó là biện pháp tổng thể. Chúng ta nên hiểu đó là nhà máy xử lý nước thải ngay trong lòng sông. Nước thải được xử lý ngay trong ngày. Tốc độ xử lý nước thải gần 1,5 triệu m3 một ngày, tức là gấp 9 lần nước thải xả ra sông.”

Các chuyên gia đến từ Nhật cũng khẳng định: “Nạo vét bùn chỉ là giải pháp tạm thời. Còn nếu dẫn nước từ Hồ Tây, sông Hồng hay là nước mưa thì các chất thải lại dồn về phía hạ lưu. Trong khi công nghệ này sẽ giúp phân huỷ bùn, chất ô nhiễm và tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông.”

Trong thực tế, trước khi được đưa tới Việt Nam, công nghệ sinh học Nano- Bioreactor cũng đã được sử dụng để làm sạch nước một cách hiệu quả tại 300 điểm ô nhiễm ở Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Đáng chú ý, trong năm 2017, công nghệ này cũng được thử nghiệm tại một con sông ở Hải Phòng, đồng thời được sử dụng để làm sạch một hồ điều hòa tại Quảng Ninh.

Điều đáng nói, khi TP HCM triển khai dự án cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, không ít chuyên gia cũng từng lên tiếng phản đối vì cho rằng dự án tốn nhiều tiền của, công sức nhưng khả năng cải thiện ô nhiễm là không khả thi.

Thế nhưng, trước những phản đối từ các nhà khoa học, kênh Nhiêu Lộc giờ đây đã trở thành dòng nước trong xanh giữa lòng TP. Với dòng sông Tô Lịch, hiệu quả từ dự án thí điểm làm sạch nước bằng công nghệ Nhật Bản người dân đang thấy rõ từng ngày. Trong tương lai, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, kết hợp cùng công nghệ sinh học Nano - Bioreactor rất có thể dòng sông sẽ không còn ô nhiễm…

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…