Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Giảm môn nhưng vẫn khốc liệt?

20/04/2020 10:00

Kinhte&Xahoi Thi vào lớp 10 là một trong những kỳ thi chuyển cấp quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi học sinh. Áp lực, căng thẳng không chỉ riêng với học sinh mà còn cả phụ huynh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, phụ huynh phải bình tĩnh, không nên khiến các con thêm lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần ôn thi, dù đã được giảm tải…

Tại Hà Nội, chỉ có khoảng 62% học sinh lớp 9 được tuyển vào hệ thống trường THPT công lập. (Ảnh minh họa).

Lùi lịch thi 1,5 tháng

Sau nhiều mong mỏi giảm áp lực thi vào lớp 10 năm nay của thầy cô, phụ huynh, UBND TP Hà Nội đã quyết định thay đổi kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 với việc chỉ thi 3 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, bỏ môn thi thứ tư như quyết định trước đó. Theo đó, lịch thi của trường THPT công lập và hệ chuyên được dời sang tháng 7 vào ngày 17-18/7, lùi 1,5 tháng so với năm trước.

Ngoài việc thay đổi thời gian thi, môn thi thì phương thức tuyển sinh vào lớp 10 của các trường ngoài công lập vẫn giữ nguyên như năm trước. Đó là xét tuyển theo kết quả học tập, rèn luyện ở cấp THCS hoặc xét tuyển dựa trên kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập đối với những học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường ngoài công lập.

Theo đó, các bài môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút. Có nhiều mã đề thi trong một phòng thi, đảm bảo nguyên tắc: Hai thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thi sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.

Tuyển sinh vào lớp 10 chuyên (các Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây), thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi. Vòng 1: Sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Vòng 2: Thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển vòng 1. Kết quả: Điểm xét tuyển = Tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2).

Với những nguyện vọng của thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nguyện vọng độc lập, không ảnh hưởng đến nguyện vọng đăng ký tuyển sinh vào các trường THPT chuyên và THPT không chuyên.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng này sẽ trải qua 2 vòng thi. Vòng 1: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam; thí sinh dự thi các bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập (cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên). Vòng 2: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc.

Ở khu vực công lập, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Tây Sơn được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố. 

Không ép con “gánh ước mơ” của cha mẹ

Trước hết, để lượng sức mình, việc tham khảo tỉ lệ “chọi” của các trường THPT sẽ là kênh giúp học sinh đưa ra những quyết định, lựa chọn trường phù hợp, là yếu tố quan trọng để giúp học sinh và cả phụ huynh giảm được áp lực, căng thẳng.

Các Trường THPT Chu Văn An, THPT Phan Đình Phùng, THPT Sơn Tây, THPT Yên Hòa, THPT Nhân Chính… vẫn luôn là các trường có sức hút lớn. Năm nay, tình hình cạnh tranh để có một suất học tại đây sẽ vẫn căng thẳng. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (tác giả sách “Cùng con bước qua các kì thi”) chia sẻ: “Khi nói kì thi vào 10 căng thẳng nhất cũng không sai. Theo số liệu được công bố, năm nay có 62% học sinh được tuyển vào hệ thống trường công lập, như vậy sẽ có 32% học sinh phải học hệ ngoài công lập. Hầu như việc học và ôn luyện của các con đến thời điểm này cũng đã gần xong các kiến thức cơ bản cũng như các dạng đề thường gặp.

Nếu không có dịch Covid-19, chắc các con đã được trải qua vài vòng thi thử. Chính từ kết quả của những lần thi thử đó, phụ huynh và con sẽ có đánh giá về sức học cũng như chọn trường vừa sức với con mình. Năm nay dù môn thi có giảm bớt, thời gian thi có thay đổi, nhưng sự cạnh tranh vẫn không hề giảm sức nóng. 

Dù con có học tốt, làm bài thi hoàn chỉnh nhưng đôi khi chỉ thiếu 0,5 điểm, con sẽ phải dừng chân trước cánh cổng ngôi trường mơ ước. Có mẹ muốn con thi chuyên Anh Amsterdam vì trường gần nhà, chứ thi chuyên Anh, chuyên Nguyễn Huệ và Chu Văn An xa quá, sợ đi học vất vả.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, lớp 10, nhiều bạn học sinh ở các tỉnh, đỗ chuyên tỉnh đã “khăn gói quả mướp” lên trường chuyên học, ở nội trú. Lớp 10, nhiều học sinh đã du học một mình nơi “đất khách quê người” Anh, Mỹ, Úc, Singapore… mà không phụ huynh và học sinh nào kêu là học xa nhà quá, lo nọ, lo kia.

Điều quan trọng nhất là liệu con bạn có đỗ được chuyên Anh Amsterdam hay không khi mà có nhiều bạn từng đạt giải học sinh giỏi thành phố môn Tiếng Anh? Khi mà có bạn từng 9 năm học luôn xuất sắc top đầu trường nhưng vẫn có thể trượt chuyên Anh Amsterdam hay chuyên Anh Nguyễn Huệ, Chu Văn An, chuyên Ngoại ngữ như thường.

Việc quan trọng nhất lúc này là cho con làm các bài thi chuyên, làm bài của cả 3 môn Toán, Văn, Anh xem khả năng có đạt điểm cao không. Dù điểm chuẩn mỗi năm có khác nhau, dù nhiều khối chuyên lên ngôi thì tính đến năm học có dịch Covid-19 này, 2020, chuyên Anh vẫn luôn đông học sinh đăng ký thi nhất và độ cạnh tranh, tỷ lệ chọi luôn cao nhất trong nhiều năm qua.

Thời điểm này, thắng hay bại đôi khi chỉ tính bằng 0,15-0,25 điểm thôi là người cười, kẻ khóc, bạn đỗ, bạn trượt… Số lượng học sinh lớp 9 đỗ chuyên vào 10 chỉ chiếm khoảng 2-3% toàn thành phố. Chị Thanh Hải nhấn mạnh: “Chỉ nghe đồn trường nọ, trường kia mới oách là điều không nên vì kỳ thi chuyển cấp luôn áp lực, để lọt trong 62% học sinh đỗ trường công năm nay cũng là điều không dễ”.

Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán Trường THCS Archimedes Academy với 10 kinh nghiệm luyện thi vào lớp 10 cho rằng, điều quan trọng nhất để đạt được kết quả tốt nhất trong bất kì môn học nào, không chỉ riêng môn Toán chính là ý thức.

Theo thầy Quang, nhiều bố mẹ bắt con xây dựng tiếp ước mơ của mình. Chẳng hạn, ngày xưa bố học không được vào chuyên Toán, không được thi đội tuyển quốc gia thì bố muốn con phải làm bằng được, trong khi con lại thích Văn, thích Họa… Thầy cô, bố mẹ cần nuôi dưỡng ước mơ của con, đi bên cạnh chúng động viên, khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho con.

Có thể nói, sự nỗ lực, bứt phá và xác định được sức học của mỗi thí sinh để không đăng kí “nhầm trường”, khi mà mỗi thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng vào trường công trong cùng một khu vực tuyển sinh. Khi đăng kí nguyện vọng, thí sinh sẽ phải xác định trường nguyện vọng (NV) 1 và NV2 có khoảng cách điểm khá xa nhau. Để lỡ có trượt NV1 còn có cơ hội vào NV2 trường công lập (thông thường, khoảng cách này sẽ là 4-5 điểm).

Do đó, theo các thầy cô, không ít học sinh dù sức học không cao, nhưng sẽ vẫn đăng kí NV1 vào trường tốp đầu, NV2 vào trường tốp 3 - để có trượt cũng trượt trường… tốp đầu cho oai. Và không ít thí sinh, lựa chọn NV1, NV2 khi điểm trúng tuyển 2 trường sát nút nhau, nếu lỡ cơ hội NV1, sẽ không còn đủ điểm cho NV2 (với điều kiện phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đó ít nhất 1,5 điểm). Thời gian đăng ký trúng tuyển của cả hai nguyện vọng 1 và 2 là cùng lúc.

“Do đó, phụ huynh phải xem con thích điều gì, trường nào? Một số con lại đam mê cao quá dẫn đến bệnh “ảo tưởng sức mạnh” thì lúc này bố mẹ phải kìm hãm con lại. Phụ huynh phải xác định đúng năng lực của con và đặt mục tiêu phù hợp. Con cứ phấn đấu, bố mẹ biết con đang ở đâu, không tự ti nhưng cũng không ảo tưởng sức mạnh. Làm sao để xác định đúng năng lực của con, từ đó chọn trường phù hợp là điều quan trọng” - thầy Quang nhấn mạnh. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thi-vao-lop-10-o-ha-noi-giam-mon-nhung-van-khoc-liet-d122447.html