Thu hồi tài sản tham nhũng: Cần có “thiên la địa võng” ngăn tẩu tán tài sản

07/05/2019 15:59

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, các vụ việc liên quan đến thu hồi khoản nợ của các tổ chức tín dụng tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, loại án này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thi hành.

Tỉ lệ thu hồi chưa được 10%

Theo một báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới (WB) và Văn phòng Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), hàng năm, các nước đang phát triển thất thoát từ 20 đến 40 tỉ USD vì nạn hối lộ, biển thủ công quỹ và các hành vi tham nhũng khác.

Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hàng nghìn tỷ nhưng số tiền thu hồi rất thấp.

Điều đó có nghĩa là chỉ trong vòng 15 năm qua, khoảng 300 đến 600 tỉ USD đã bị thất thoát. Tuy nhiên, báo cáo cho hay, cũng trong thời gian trên, các nước mới chỉ thu hồi được khoảng 5 tỉ USD tài sản tham nhũng, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ tài sản bị đánh cắp, còn hầu hết các tài sản phi pháp đã được chuyển đi và cất giấu.

Không nằm ngoài xu thế trên, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ trình ra Quốc hội (QH) thừa nhận, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

Theo báo cáo, từ 1/10/2015 đến 30/9/2016, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 142 vụ, 335 bị can. Thiệt hại do hành vi tham nhũng được phát hiện trong thời gian này là trên 241 tỷ đồng và 838m2 đất.

Số tài sản đã thu hồi là 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Nhưng báo cáo tại hội nghị 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) cho thấy bức tranh về tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng ảm đạm hơn rất nhiều.

Cụ thể, tại Hội nghị, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu cho biết, tính tổng cộng trong 10 năm thực hiện Luật đã có 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can đã bị khởi tố; số vụ truy tố là gần 3.000 vụ và số bị đưa ra xét xử vào khoảng 2.630 vụ. Theo ông Sáu, tổng số tiền bị thiệt hại của các vụ án tham nhũng lên đến 59.750 tỉ đồng và trên 400ha đất.

Trong số này, các cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 4.676,6 tỉ đồng, tức chưa đầy 8% và trên 219ha đất. Báo cáo của Chính phủ mới đây cũng xác nhận tài sản tham nhũng trong một số vụ án đã bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Phát biểu tại QH, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh (ĐBQH tỉnh Hòa Bình) nói rằng nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân.

“Tuy vậy, tài sản thu hồi được lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. Hàng ngàn tỷ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân đang chờ câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao mà thu hồi được, làm sao mà diệt tham nhũng được tận gốc?” – ĐB nêu ý kiến.

Đâu là nguyên nhân?

Phát biểu tại một hội nghị do TTCP và UNODC tổ chức nhân Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng mới đây, ông Ngô Mạnh Hùng (Phó Cục trưởng Cục Phòng Chống tham nhũng, TTCP) cho hay, việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn do phải thực hiện qua kênh duy nhất là truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản. Ông Hùng cho rằng thực tế này khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản.

“Việc thu hồi tài sản tham nhũng để lâu thì sẽ rất khó, giống như một người làm đổ nước xuống đất, càng để lâu nước càng thấm xuống dưới và rất khó thu lại” – ông nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết, trong nhiều vụ án tham nhũng, hành vi tham nhũng đã thực hiện nhiều năm trước nên đối tượng đã sử dụng tài sản tham nhũng vào các mục đích khác nhau, tiêu xài cá nhân hoang phí hay đã cất giấu, chuyển hóa tài sản nên đến khi xét xử, rõ bản án thì tài sản đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành.

Có thể thấy, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là trong thời gian gần đây.

Ngày 04/9/2018 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành Kế hoạch số 192- KH/BCĐTW kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thu được những kết quả tích cực song Bộ Tư pháp vẫn thẳng thắn nhìn nhận, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành án (vụ Vinashin; Vụ Huỳnh Thị Huyền Như);

Người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để thi hành án (vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Huỳnh Thị Huyền Như); số lượng tài sản kê biên lớn, đa dạng, thuộc nhiều chủng loại khác nhau; một số tài sản chưa có quy định thủ tục xử lý (tài sản là cổ phần, cổ phiếu); tài sản kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình xử lý (vụ Phạm Công Danh).

Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, dẫn đến việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, trong những năm gần đây các tổ chức tín dụng đã chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ và một số vụ việc mới vẫn tiếp tục gặp một số khó khăn do tài sản bảo đảm không đúng với thực tế tài sản; thủ tục nhận thế chấp chưa bảo đảm; giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế tài sản...

Một số tổ chức tín dụng chưa tích cực trong việc cung cấp văn bản xác định nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, dẫn đến việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, Công ty mua bán nợ gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh ngày càng phát sinh nhiều vụ việc có giá trị lớn, phức tạp, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng (vụ Hứa Thị Phấn, vụ Phan Sào Nam), người phải thi hành án phần lớn là người có trình độ, kiến thức đã tìm cách che giấu, tẩu tán tài sản từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và trước đó dẫn đến công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn, Bộ Tư pháp xác định, bằng nhiều giải pháp sẽ tập trung thi hành, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND... giám sát chuyên đề công tác THADS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, nhất là đối với một số vụ việc gặp khó khăn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cần sự phối hợp liên ngành; tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay và các hoạt động liên quan đến tín dụng, siết chặt quản lý đối với hoạt động này nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu không thể thi hành án được.

Theo Pháp luật plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…