Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp chống dịch do virus corona

31/01/2020 09:45

Kinhte&Xahoi Thủ tướng nêu rõ, tình hình bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona là rất nghiêm trọng và rất nhanh ở phạm vi toàn cầu.

Chiều 30/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ, đánh giá công tác tổ chức Tết Nguyên Đán cho nhân dân và đặc biệt một nội dung quan trọng là thảo luận các biện pháp mạnh mẽ trong công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona có kịch bản ứng phó, phương án cụ, nếu nhiều nơi xuất hiện dịch thì giải pháp ứng phó. Khi cần thiết, có thể huy động các phương tiện có thể của quốc gia để phòng, chống dịch thành công.

Thêm 3 ca dương tính với virus corona

Theo báo cáo cập nhật của Văn phòng Chính phủ, tính đến 12h ngày 30/1, thế giới có hơn 12.000 ca ghi nhiễm, hơn 7.800 người nhiễm, và đã có 170 người chết. Ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện tại 17 quốc gia. Dự kiến ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ công bố “Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến 15h20 phút chiều 30/1, đã phát hiện 3 trường hợp là công dân Việt Nam có lịch sử đi từ thành phố Vũ Hán trở dương tính với virus corona.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương thì cho biết, so với dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corora lây nhanh hơn, dễ nhiễm hơn, khó kiểm soát hơn. Do đó, nguy cơ lây lan vào Việt Nam là rất cao.

Về việc dự kiến chiều 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới có thể công bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu do dịch, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Long, dù WHO có công bố hay không thì nước ta vẫn nên áp dụng các biện pháp như công bố tình trạng khẩn cấp.

Trong lĩnh vực giao thông hàng không, Vietnam Airlines đã hủy 70% số chuyến khai thác đến Trung Quốc, Vietjet hủy hơn 72%, Jetstar dừng khai thác toàn bộ các chuyến bay đến Trung quốc tháng 2, 3 năm nay. Đối với các hãng Trung Quốc, đến hôm nay 7 hãng xin hủy số chuyến với số lượng chiếm hơn 58% số chuyến đến nước ta.

Về việc có nên tiếp tục triển khai Nghị định 100 hay không, vì người dân lo ngại khi thổi vào máy đo nồng độ cồn trong khí thở có thể dẫn đến lây nhiễm virus, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, đã làm việc, tham vấn Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề này.

Theo đó, máy đo chỉ có một chiều để thổi vào, không hít ra được. Hơn nữa, theo quy trình thì mỗi người thổi thì chỉ thổi một ống mới, không dùng chung. Về việc bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ sử dụng máy thổi thì Ủy ban cho biết là thực hiện đeo găng tay, khẩu trang, sát trùng máy thổi trước khi sử dụng.

Phải có kịch bản ứng phó nếu dịch lan rộng

Về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, Thủ tướng nêu rõ, tình hình bùng phát dịch là rất nghiêm trọng và rất nhanh ở phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã chủ động có chủ trương sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đã có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể với quyết tâm cao, được nêu trong các phiên họp của Chính phủ và Chỉ thị 05 của Thủ tướng.

Tuy vậy, dịch bùng phát phạm vi rộng ở Trung Quốc trong khi nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo: "Chúng ta phải bình tĩnh, kiên quyết xử lý để bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho nhân dân với các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân. Yêu cầu các cấp, ngành và địa phương phải có phương án cụ thể, kiên quyết và sẵn sàng ứng phó khi xuất hiện các ca nhiễm tại các địa phương".

Theo nhận định, trong tuần tới, tình hình dịch bệnh có thể bùng phát và chúng ta cần lưu ý vì có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Chính vì vậy, cần đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm để tránh nguy cơ lây nhiễm ở Việt Nam.

"Tôi thấy một số cấp, ngành chưa có một tinh thần sẵn sàng cao, nhất là các địa phương. Tôi yêu cầu Ban chỉ đạo do đồng chí Vũ Đức Đam làm Trưởng ban, có các cấp các ngành tham gia nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy những quyền hạn của Ban Chỉ đạo để xử lý cần thiết những vấn đề đặt ra, đồng thời thường xuyên báo cáo Thủ tướng và Chính phủ để có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả dịch corona", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh để xử lý khi cần thiết, thậm chí có thể sử dụng cả các loại phương tiện hiện đại như máy bay; khởi động kết nối 21 bệnh viện.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Quốc phòng có phương án sẵn sàng huy động các bệnh viện quân đội khi có tình huống xấu xảy ra. Thủ tướng đề nghị cần có sự phân công nhiệm vụ cho các bệnh viện lớn ở các khu vực, nhất là 4 bệnh viện của Trung ương, khi có tình trạng vượt quá khả năng cho phép, nhất là trong trường hợp dịch lây lan nhanh.

Nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05 và Công văn số 79 của Ban Bí thư, Thủ tướng nhấn mạnh, cấm hẳn việc đi lại tại các đường mòn, lối mở. Dừng việc đưa người Việt Nam lao động tại Trung Quốc trong lúc có dịch. Bộ Ngoại giao trao đổi với phía cơ quan chức năng Trung Quốc để có phương án sơ tán công dân Việt Nam về nước khi cần thiết.

Ngành hàng không không được đưa và đón máy bay từ điểm có dịch đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, kể cả các trường hợp khác, trừ visa công vụ. Không khuyến khích giao thương qua lại khu vực cửa khẩu vào thời điểm này, chỉ giao dịch trường hợp khách công vụ được giao nhiệm vụ. Khuyến cáo hạn chế đến Trung Quốc, trừ trường hợp đặc biệt.

Đối với đoàn công tác của Việt Nam sang Trung Quốc, Thủ tướng yêu cầu, nếu không cấp thiết thì hoãn, điều chỉnh kế hoạch. Các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp kiểm soát y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu. Ngành y tế có biện pháp theo dõi sát sao tình hình sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch khác của Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày, tinh thần là hạn chế đi lại, kịp thời phát hiện và cách ly nếu phát hiện nhiễm bệnh.

Trong lúc này, dịch đang bùng phát, tạm dừng giao thương buôn bán qua lại cửa khẩu trong khi chúng ta chưa đóng cửa biên giới.

Nhấn mạnh, với vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta cần có tiếng nói đồng thuận và giao Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ này.

Lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương

Thủ tướng đồng ý với đề xuất các địa phương cũng phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, trên tinh thần chủ động, 4 tại chỗ.

Về vấn đề tổ chức lễ hội, Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần hạn chế tụ tập đông người, trừ một số lễ hội đang diễn ra, các lễ hội chưa khai mạc thì đều phải xin ý kiến các cấp chức năng. Học sinh chưa nghỉ học nhưng khuyến nghị đeo khẩu trang. Chính phủ khuyến nghị mọi người nên đeo khẩu trang, nhất là khu vực đông người. Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, đảm bảo yêu cầu cần thiết.

Đối với các cơ quan truyền thông, Thủ tướng chỉ đạo, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị và tập trung làm tốt, hiệu quả hơn, giúp người dân hiểu rõ nguy cơ để tự phòng ngừa. Trong đó, phải nêu các yêu cầu rất cụ thể do ngành y tế cung cấp.

Về tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý, sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo hàng ngày phải báo cáo Thủ tướngvề dịch bệnh corona. Thủ tướng đồng ý thành lập một tổ công tác tại Văn phòng Chính phủ, trực tiếp phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, đề xuất, cùng thực hiện nhiệm vụ với Ban Chỉ đạo Quốc gia, qua đó giúp việc thực hiện các chủ trương, biện pháp nhanh hơn, sát thực tế, không để tình trạng chậm trễ có thể xảy ra.

Phải bắt tay ngay vào công việc sau Tết

Phát biểu kết luận tại phiên họp, về tình hình phục vụ Tết Nguyên Đán, Thủ tướng đánh giá, trong 7 ngày Tết, các cấp, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ Tết cho nhân dân theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Việt kiều về nước đón Tết rất đông, nhân dân đón Tết sung túc, sum vầy, vui tươi, phấn khởi hơn do đời sống vật chất tinh thần được nâng lên. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước.

Các cấp, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ thăm hỏi gia đình có công, gia đình chính sách, hỗ trợ trên 8.000 tấn gạo cho những vùng giáp hạt, khó khăn, thiên tai. Hàng hóa phục vụ Tết phong phú, dồi dào, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, hàng Việt chiếm ưu thế. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân rộng khắp. Công tác thông tin tuyên truyền được tăng cường, bảo đảm an ninh mạng.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, vẫn có những tồn tại, khó khăn, trong đó trận mưa đá gây thiệt hại cho nhân dân một số nơi ở miền Bắc. Tình trạng pháo nổ nhiều nơi chưa kiểm soát được. Một số mặt hàng giá còn cao làm tăng CPI ở mức 1,23%. Nhân dân lo lắng dịch viêm phổi do virus corona.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành bắt tay ngay vào công việc, thực hiện ngay những nhiệm vụ được giao một cách quyết liệt, đồng bộ, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Triển khai ngay kế hoạch đầu tư, xuất nhập khẩu, các phương án kinh tế khi xảy ra dịch, nhất là các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, thương mại, dầu khí, hàng không.

Thủ tướng đồng ý với ngành thương mại trong 5 ngày tới phải có phương án ứng phó với dịch corona, trong đó có việc tìm thị trường bổ sung trong lúc có khả năng dừng giao thương một số sản phẩm với Trung Quốc./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-chi-dao-nhieu-giai-phap-chong-dich-do-virus-corona-d116149.html