Thủ tướng chủ trì phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - xã hội

18/01/2020 09:53

Kinhte&Xahoi Ngày 16/1, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã họp phiên toàn thể thứ 6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp của Tiểu ban gồm 51 thành viên, Thủ tướng cho biết, Tiểu ban sẽ cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo báo cáo sau Hội nghị Trung ương XI để báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp.

Hội nghị Trung ương XI vào tháng 10/2019 đã cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025. Trung ương đánh giá cao chất lượng, cơ bản nhất trí các dự thảo báo cáo của Tiểu ban.  

Từ khi được thành lập vào tháng 10/2018, Tiểu ban đã triển khai nghiêm túc quyết định của Trung ương, đã có 5 phiên họp toàn thể Tiểu ban, trong đó đã triển khai nghiên cứu 42 chuyên đề, tổ chức 6 buổi làm việc với tất cả các địa phương theo vùng trên cả nước, tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát trong nước và quốc tế và đặc biệt là lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, có những cuộc thảo luận hết sức sôi nổi tại các viện, các trường.

Các Phó Thủ tướng, Thường trực Tiểu ban đã tổ chức các cuộc làm việc riêng để lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho dự thảo báo cáo, trên tinh thần đổi mới, tiên tiến, cách mạng.

Tổ biên tập cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế uy tín tại Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến tốt cho báo cáo để phù hợp xu hướng thời đại, không lạc hậu với tình hình quốc tế, khu vực.

Tại phiên họp, Tiểu ban nghe Tổ biên tập báo cáo, tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 3 nội dung trọng tâm: Nội dung 2 dự thảo báo cáo đã được Tổ biên tập tiếp thu, hoàn thiện, nhất là những nội dung mới so với báo cáo đã trình Trung ương. Thứ hai, thông qua nội dung chủ yếu của các báo cáo tóm tắt phục vụ Đại hội Đảng các cấp, cấp cơ sở để trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Thứ ba là dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tiểu ban và Tổ biên tập.

Hai tháng qua, Tổ biên tập, các nhóm theo ngành, lĩnh vực, bộ phận thường trực Tiểu ban đã tập trung thời gian, dày công nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo.

Về nội dung báo cáo, Tổ biên tập đã rà soát, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung nhiều điểm sát thực tế, đáp ứng yêu cầu đặt ra, phù hợp với nội dung báo cáo chính trị, nhất là đánh giá một cách khách quan những hạn chế, yếu kém, những nguyên nhân, bổ sung dự thảo báo cáo về bối cảnh quốc tế, trong nước và hoàn thiện quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, các đột phá chiến lược, một số phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Đặc biệt là khớp nối một cách căn bản giữa báo cáo văn kiện với báo cáo chiến lược 10 năm, báo cáo phương hướng 5 năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đề nghị Tiểu ban tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề gồm nhận định, đánh giá tình hình, trong đó có đánh giá tổng quát mà Tổ biên tập thống nhất là trong 10 năm qua, đất nước ta đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có 5 năm 2016-2020 đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Đề nghị thảo luận về hạn chế, yếu kém, Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá sâu sắc hơn các lĩnh vực với tinh thần không tô hồng cũng không bôi đen, trong đó lưu ý đánh giá về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các vấn đề nổi lên về văn hóa xã hội. Cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm sát thực tiễn, không xa rời với điều kiện, bối cảnh đất nước. Bổ sung bối cảnh quốc tế, trong nước trong thời gian tới để thấy được tình hình thay đổi, những thách thức.

Về đột phá chiến lược, theo Thủ tướng, cần thảo luận nội hàm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa con người, khát vọng dân tộc, ý chí phấn đấu vươn lên.

Về phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng đề nghị thảo luận những vấn đề nào cần lưu tâm hơn như khơi thông, huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển hài hòa, bền vững các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Theo kế hoạch tổng thể hoạt động của Tiểu ban trong năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, còn rất nhiều việc phải làm, cần tiếp tục nghe thêm ý kiến của đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, một số nhà khoa học về dự thảo báo cáo của Tiểu ban, xây dựng báo cáo tóm tắt xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp, cấp cơ sở, cấp huyện, tỉnh và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại hội Đảng các cấp; xin ý kiến nhân dân về các báo cáo và tiếp thu, hoàn thiện trình Hội nghị Trung ương. Và cuối cùng là hoàn thiện báo cáo, trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, phân tích đánh giá sắc sảo, trách nhiệm, thậm chí có những vấn đề rất quan trọng với quốc kế dân sinh và những vấn đề đặt ra đối với đất nước trong 5 năm và 10 năm tới.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban cho ý kiến bằng văn bản gửi cho Tổ biên tập, đặc biệt là về những nội dung liên quan đến lĩnh vực từng đồng chí phụ trách để có dự thảo báo cáo có chất lượng cao nhất, được chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tinh thần “Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”.

Thủ tướng bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, nhất là các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý, thống nhất giữa hai Tổ biên tập về đánh giá tình hình, dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, quan điểm phát triển. Tinh thần chung là đánh giá đúng, sát tình hình; bàn tiến chứ không bàn lùi, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về một số vấn đề còn có ý khác nhau như kinh tế vùng, kinh tế biển, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, du lịch, kết cấu hạ tầng, văn hóa xã hội.

Tổ biên tập tiếp tục rà soát, thể hiện nổi bật được vai trò của yếu tố mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa con người, khát vọng dân tộc, ý chí phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ. Vấn đề phát triển hài hòa bền vững, nhất là phát triển mạnh mẽ văn hóa xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân rất quan trọng.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, gồm cả kinh nghiệm thành công và không thành công, để rút ra chúng ta phải làm gì để đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

“Một số đại biểu có nói về yếu tố con người, quan hệ với nhân dân, nhân dân ủng hộ, nắm dân, sát cơ sở, làm cho dân giàu, nước mạnh rất quan trọng. Những vụ việc gần đây khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều về quan hệ với nhân dân, xử lý vấn đề trong nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ. Đi liền với đó phải giữ kỷ luật, kỷ cương./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-cua-tieu-ban-kinh-te--xa-hoi-d115410.html