Thủ tướng chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIII của Đảng

28/08/2020 16:40

Kinhte&Xahoi Ngày 28/8, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII đã tổ chức phiên họp toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu. Các nước đều tung ra gói hỗ trợ rất lớn, nới lỏng chính sách tài khóa. Tuy vậy, tình hình kinh tế thế giới vẫn bị tác động nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Tiểu ban rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trong đó, tập trung xin ý kiến các thành viên Tiểu ban đối với 2 nội dung. Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo, đặc biệt là trước tác động rất nặng nề của Covid-19. Thứ hai là các công việc cần tiếp tục triển khai của Tiểu ban trong thời gian tới.

Gợi ý thảo luận, Thủ tướng đề cập đến một số vấn đề, gồm tác động của Covid-19 đến kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, quý II/2020, chúng ta chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 1,81%. Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần lo cho sức khỏe người dân là chính nhưng không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng nói. 

Với tinh thần ấy, năm nay, chúng ta cố gắng tăng trưởng dương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, cơ chế chính sách để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Đồng thời, phải có chiến lược, sách lược, định hướng và giải pháp phục hồi phát triển trong năm 2021 và thời gian tới, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Tiểu ban tập trung thảo luận, làm rõ các khó khăn, thách thức, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 2020, từ đó bổ sung các bài học, kinh nghiệm rút ra sau thời gian phòng chống dịch; cho ý kiến về nhận định bối cảnh quốc tế trong giai đoạn 2016-2020 và thời gian tới khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và các vấn đề mới phát sinh.

Về các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị góp ý cụ thể về các vấn đề trọng tâm cần thay đổi so với dự thảo trước đây do tác động của dịch bệnh, trong đó có vấn đề về quy hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển nguồn nhân lực…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến góp ý và biểu dương Tổ biên tập trong 2 năm qua đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện dự thảo báo cáo, làm 42 nhóm chuyên đề nghiên cứu, 140 nhiệm vụ, tổ chức khảo sát tại các địa phương, các tập đoàn, hội thảo khoa học… Thủ tướng đề nghị, các dự thảo văn kiện cần làm rõ hơn kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Về chủ đề của Chiến lược, Tiểu ban thống nhất cần bảo đảm thống nhất với báo cáo chính trị, là văn kiện trung tâm của Đại hội. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Về quan điểm phát triển, Thủ tướng đồng ý với các ý kiến của Tổ biên tập bổ sung nội hàm về chuyển đổi số và hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, chú ý phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc. Về đột phá chiến lược, Thủ tướng kết luận, Tiểu ban thống nhất với Tổ biên tập về bổ sung các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công để vừa phục vụ công tác xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025 để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định. Tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công.

 Hoàng Thư - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-tieu-ban-kinh-te--xa-hoi-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-d133608.html