Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các thương binh thôi thúc chúng ta sống tốt, làm việc có ích nhất

26/07/2019 08:10

Kinhte&Xahoi Phát biểu tại buổi Gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 diễn ra sáng 25/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các thương binh nặng tiêu biểu thực sự là những tấm gương sáng lay động lòng người, thôi thúc chúng ta hãy sống tốt, làm việc có ích nhất.

Thủ tướng trao Bằng khen cho các thương binh nặng tiêu biểu

Ý chí, nghị lực vươn lên phi thường

Báo cáo tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến…

“Tại cuộc gặp mặt, 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12 ngàn thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước. Các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đó là thương binh Nguyễn Trung Tín (phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) suy giảm khả năng lao động 95%, tham gia rất nhiều chiến dịch lớn của quân đội như chiến dịch Chu Lai; Tư Nghĩa, Quảng Nam; Thu Bồn, Quế Sơn; Đường 9 Nam Lào; Phỉ Vàng Pao tại Trung Lào;... Trong chiến dịch Tân Cảnh - Đắc Tô, ông đã bị thương gãy cột sống, vỡ 2 khung xương chậu, vỡ bàng quang.

Sau chiến tranh giải phóng, trở về quê hương, mặc dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, nhưng bản thân ông vẫn kiên trì tập luyện, vượt qua bệnh tật và nay là Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh.

Hay như thương binh Nguyễn Văn Lộc (phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) suy giảm khả năng lao động 91%, ông là người nặng lòng với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh chưa tìm được hài cốt với tâm sự đầy xúc động: "Chiến tranh kết thúc, chúng ta đã được trở về, nhưng còn rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại ở nơi khe suối, bìa rừng. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với những đồng đội đã ngã xuống. Chừng nào còn sống, còn sức khỏe thì hành trình tìm đồng đội vẫn chưa dừng lại".

Trong nhiều năm qua, ông đã cùng đồng đội tìm kiếm, cung cấp thông tin để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về yên nghỉ.

Trong 500 đại biểu, có rất nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như thương binh nặng Hoàng Văn Tuyên (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Trở về với cuộc sống đời thường, ông đã không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh doanh và trở thành giám đốc công ty may, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, trong đó phần nhiều là con em thương binh, gia đình chính sách. Công ty có doanh thu hàng năm hàng chục tỷ đồng, một phần trong đó ông Tuyên dành đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương...

Những tấm gương sáng lay động lòng người

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 500 đại biểu thương binh nặng tới dự cuộc gặp mặt hôm nay là nhân chứng, là những tấm gương của tinh thần “người người ngoan cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất của đất nước và cũng vì lẽ sống cao đẹp cho đồng bào mình”.

Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
 
Cùng với đó, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 

Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Chỉ tính từ năm 2010, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6,5 nghìn tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155 nghìn căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13 nghìn tỷ đồng; tặng trên 124 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh chúng ta chưa thể bằng lòng với kết quả đó, bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi.

“Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội”, theo Thủ tướng.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công.

 Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Bằng khen, tặng quà cho các thương binh nặng tiêu biểu. 


Chiều 25/7, tại Nhà Quốc hội, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã gặp mặt Đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ và các cựu chiến binh tiêu biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công và gia đình người có công.

Trong đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với người có công với cách mạng; yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện các thủ tục để không để xót người có công không được hưởng chính sách...

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ban ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách pháp luật đối với người có công; rà soát lại các quy định về thủ tục, sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn để người có công được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác đối với người có công, quan tâm hơn nữa đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia chăm sóc người có công với cách mạng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus