Thú vị chuyện bầu cử ở miền núi, đảo xa

23/05/2021 08:35

Kinhte&Xahoi Mỗi một vùng miền, công tác bầu cử có những cái hay, cái khó khác nhau. Chuyện tổ chức ngày hội ở những miền núi sâu, đảo xa cũng nhiều nỗi niềm, lắm điều hay.

Công tác chuẩn bị bầu cử một xã Tây Nguyên.

Những ngày hội sớm ở đảo xa

Trong những ngày này, dù ở xa đất liền, xa sự náo nhiệt, nhưng tại những hòn đảo xa, không khí náo nức, hớn hở của chính quyền và người dân vẫn lan tỏa. Tất cả cấp tập chuẩn bị và chờ đón ngày hội non sông. 

Huyện đảo Cần Giờ là một địa bàn có hơn 57.700 cử tri, trong đó chiếm phần lớn là cư tri ngư dân và một số hộ giữ rừng. Cái khó là huyện có nhiều xã đảo và cử tri ngư dân cũng thường đánh bắt xa bờ, dài ngày. 

Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo ngư dân được thực hiện quyền bầu cử trọn vẹn, chính quyền các xã, thị trấn đã có nhiều giải pháp sâu sát. 

Tại thị trấn Cần Thạnh, nơi có hơn 9.100 cử tri, trong đó có trên 1.200 cử tri là ngư dân, Đội thông tin tuyên truyền của thị trấn phải tăng cường nhiều giải pháp tuyên truyền để giúp người dân hiểu hơn về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử, các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thời gian bầu cử...

Các chủ ghe nơi đây được vận động chỉ nên xuất bến, ra khơi khi thực hiện xong quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong ngày bầu cử… 

Cũng thuộc huyện Cần Giờ, xã đảo Thạnh An có hơn 3.270 cử tri, đời sông ngư dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp, Ủy ban Bầu cử xã đảo Thạnh An đã chỉ đạo cho các tiểu ban tuyên truyền đến các ấp, đồng thời lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa phóng thanh, phát tờ rơi, sinh hoạt khu dân cư vào những đợt tàu thuyền của ngư dân cập bến vào bờ. Đồng thời, đội tuyên truyền cũng đi sâu, đi sát, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Dù liên quan đến mưu sinh nhưng với sự vận động chân thành, linh hoạt và nhiệt tình của cán bộ địa phương, bà con ngư dân đã nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử sắp tới và cam kết sẽ có mặt đầy đủ, thực hiện quyền công dân của mình. 

Những ngày qua, huyện đảo Lý Sơn, nơi có hơn 15.000 cử tri cũng đang trong khí thế sôi nổi của cuộc bầu cử. Khắp nơi trên hòn đảo ngập tràn sắc đỏ của màu cờ Tổ quốc, của những tấm băng rôn tuyên truyền cho ngày hội bầu cử toàn dân. 

Là một huyện đảo, người dân Lý Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Thời điểm này cũng đang là mùa cao điểm đánh bắt hải sản của hơn 500 tàu cá với hàng nghìn ngư dân huyện đảo. Chính vì thế, kế hoạch tuyên truyền của Lý Sơn cũng “đặc biệt” hơn các nơi khác. Xe tuyên truyền lưu động của huyện Lý Sơn thường xuyên đến các bến cảng, vũng neo đậu tàu thuyền trên đảo để thông tin đến ngư dân về cuộc bầu cử. Qua hệ thống Icom, các Nghiệp đoàn nghề cá ở huyện Lý Sơn thường xuyên kết nối với ngư dân đánh bắt xa bờ, đặc biệt là ngư dân ở 2 ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó, Ủy ban Bầu cử tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, thuyền viên xác định rõ trách nhiệm của mình sắp xếp thời gian cập bến trước ngày bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri.

“Chúng tôi tập trung chỉ đạo làm sao trong ngày bầu cử khi người dân tham gia đi bầu cử phải đạt trên 98% trở lên, rà soát cử tri yếu thế, đau ốm, bệnh tật không thể đến nơi bầu cử thì chúng tôi vẫn có danh sách để đưa những hòm phiếu đến tận nơi để những cử tri này thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong việc lựa chọn những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng sắp tới”, bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn chia sẻ, cho thấy được quyết tâm của chính quyền địa phương trong công tác tổ chức bầu cử. 

Là một hòn đảo yêu thương, được triệu trái tim Việt Nam hướng về, Trường Sa cũng là nơi diễn ra bầu cử từ sớm. Buổi bầu cử diễn ra vào sáng 16/5, sớm hơn một tuần so với cả nước. 

Toàn huyện Trường Sa có 6 đơn vị bầu cử với 24 tổ bầu cử, trong đó có 3 đơn vị bầu cử ngoài đảo là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn với 21 điểm bỏ phiếu (gồm Song Tử Tây, Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Nam, Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Thuyền Chài, Đá Đông, Đá Tây, Tiên Nữ, Tóc Tan, Phan Vinh, Núi Le, Đá Lát). 

Bầu cử sớm ở Trường Sa.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa chia sẻ: “Mặc dù cách xa đất liền nhưng quân dân huyện đảo Trường Sa đã khắc phục khó khăn làm tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chúng tôi mong rằng những đại biểu được bầu chọn sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

Được biết, những con tàu đưa các hòm phiếu của các cử tri ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 dự kiến sẽ cập bờ hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 23/5. 

Trước đó, việc bỏ phiếu tại khu vực thềm lục địa phía Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được bắt đầu từ 4/5. Ngày 6/5, Nhà giàn DK1/16 tại bãi cạn Phúc Tần cũng là khu vực đầu tiên trên biển hoàn thành bỏ phiếu sớm. 

Người dân vùng cao rủ nhau đi bầu cử

Tháng 5, Tây Nguyên vào mùa nóng, cũng là những ngày rộn ràng cho công tác bầu cử. Vùng cao, vất vả nhất có lẽ chính là lực lượng biên phòng. Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk không quản ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm phối hợp các lực lượng chức năng ở địa phương lặn lội đến từng thôn, buôn, ngõ xóm ở các xã biên giới để tuyên truyền Luật Bầu cử và công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử. 

Xe bán tải chuyên dụng tuyên truyền lưu động của bộ đội biên phòng đã lặn lội đến những buôn, thôn xa xôi hẻo lánh vùng biên giới, bất kể nắng mưa. Đặc biệt, nội dung tuyên truyền cũng được soạn sao cho phù hợp với tình hình dân trí địa phương: Rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ, ngắn gọn, dễ nhớ…

Tháng 5, mùa đỉnh điểm nắng nóng Tây Nguyên nhưng cũng là thời điểm chuyển mùa. Khi mùa mưa tới, chính là mùa của việc đồng áng, nương rẫy. Tương tự như ngư dân phải mưu sinh dài ngày trên biển, đồng bào dân tộc Tây Nguyên đến mùa mưa là “mất hút” trong những cánh rừng, con rẫy mênh mông, khó lòng mà gặp được họ. Vì vậy, công tác tuyên truyền càng tốn nhiều công sức, càng phải linh động, sâu sát hơn bao giờ hết. 

Nhờ nhiệt huyết của cán bộ biên phòng và đội tuyên truyền, người dân các thôn, bản đã cơ bản nắm thông tin về bầu cử, tích cực tham gia đi bầu. 

Bà con vùng cao nghiên cứu danh sách bầu cử.

Còn ở khu vực miền núi tỉnh Phú Yên, một tỉnh miền Trung Trung Bộ, công tác tuyên truyền phải nhờ vào các… già làng. Tại Phú Yên, nơi có 31 dân tộc thiểu số sinh sống, các già làng, trưởng thôn, buôn tại các địa phương có vai trò rất quan trọng, là cầu nối, mối dây liên kết giữa Ðảng với dân.

Đợt bầu cử lần này, các già làng càng cho thấy rõ vai trò của mình trong vận động người dân trong các buôn, làng. Không chỉ cùng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền bầu cử người dân từng buôn làng mà già làng còn hỗ trợ các tổ bầu cử rà soát, điều chỉnh danh sách cử tri cũng như kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử rất “chuẩn”. 

Có thể thấy niềm vui rộn ràng lan khắp non sông trong những ngày này. Vượt qua khoảng cách từ địa lý, dân trí cho đến khó khăn từ mưu sinh, người dân đã đồng lòng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bầu chọn ra người tài đức, có ích cho đất nước. 

Chỉ có sự quyết tâm, nỗ lực và chung sức của tất cả các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền cho đến người dân cả nước thì mới đem đến những kết quả đẹp như thế. Ngày hội bầu cử không chỉ là ngày của sự lựa chọn, ngày của những lá phiếu. Đó còn là ngày vui cho thấy sự đoàn kết chung lòng của cả nước ta, từ Nam chí Bắc, từ núi cao đến đảo xa.

N.Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-vi-chuyen-bau-cu-o-mien-nui-dao-xa-d156288.html