Thực trạng cô dâu Việt bị chồng bạo hành: Nỗi khổ ở lại và nỗi buồn hồi hương

12/07/2019 10:38

Kinhte&Xahoi Ngày 7/7/2019, cảnh sát Hàn Quốc xác nhận bắt giữ một người đàn ông nước này vì hành vi đánh đập vợ Việt tàn nhẫn đến gãy xương sườn. Trước đó, đoạn video hơn một phút ghi lại cảnh người đàn ông 36 tuổi liên tục đá, đấm vợ trước mặt đứa con 2 tuổi lan truyền trên mạng xã hội, gây rúng động dư luận xứ Hàn và Việt Nam.

Cảnh người vợ Việt bị chồng bạo hành.

Nỗi khổ ở lại

Nhiều người khi xem đoạn video này đặt câu hỏi sao người vợ không có hành động chống trả, hay thoát khỏi người chồng vũ phu bằng cách ly hôn. Để trả lời câu hỏi tương tự, Tiến sĩ Park Suyeon thuộc Đại học bang New York (Mỹ) đã từng thực hiện một nghiên cứu phỏng vấn sâu 22 phụ nữ Việt Nam trên 18 tuổi, kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và có tiền sử bị bạo lực gia đình bởi chồng hoặc gia đình chồng.

Nghiên cứu được công bố năm 2018 và Tiến sĩ Park Suyeon cũng cho biết dù rằng kết quả nghiên cứu không thể khái quát cho tất cả phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn Quốc (do một số hạn chế như đối tượng khảo sát không được chọn ngẫu nhiên và hầu hết được giới thiệu bởi nhà tạm trú, cơ quan dịch vụ xã hội, người tham gia nghiên cứu khác), nhưng những kết quả từ nghiên cứu cũng phần nào trả lời câu hỏi đặt ra ở trên: Vì sao các cô dâu Việt không phản kháng?

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Park Suyeon thì “chịu đựng, thương lượng, đối đầu, chạy trốn, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trang mạng, nhờ đến những nơi có thẩm quyền” – là 6 phản ứng phổ biến của phụ nữ Việt Nam khi bị chồng Hàn Quốc bạo hành ở đất khách. 

Hiện nay, theo con số mà tờ  Korea Time đưa ra thì có khoảng 160.000 phụ nữ nước ngoài hiện sống tại Hàn Quốc theo diện kết hôn. Trong đó, 42% đến từ Việt Nam, 29% từ Trung Quốc, còn lại chủ yếu đến từ một số nước Đông Nam Á như Philippines và Campuchia. Theo Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc, 42% người vợ ngoại quốc cho biết mình bị bạo hành thể xác và 68% từng bị lạm dụng tình dục.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Park Suyeon, trước khi nghĩ tới việc chạy trốn hay tìm cách ly hôn, phản ứng đầu tiên của các nạn nhân là chịu đựng. “Tôi thực sự muốn chạy khỏi gia đình đó nhưng vẫn phải chịu đựng vì ở đây (Hàn Quốc) tôi không có ai quen biết. Tôi chỉ nghĩ rằng việc chịu đựng và chờ đợi sẽ khiến mọi chuyện khá hơn”, Cúc - một trong 22 người phụ nữ trong nghiên cứu của Tiến sĩ Park Suyeon - chia sẻ.

Trong số 22 phụ nữ tham gia khảo sát, chỉ có gần 32% dám phản ứng cứng rắn lại chồng và gia đình chồng bằng lời nói hoặc hành động. Tuy nhiên, lựa chọn này chỉ khiến tình hình trở nên xấu hơn và thường kết thúc bằng những trận đòn roi giáng lên họ. Khoảng hơn 18% cố gắng thương lượng với chồng hoặc gia đình chồng (4 trong số 22 người phụ nữ được phỏng vấn chỉ đồng ý trở về nhà từ nơi lánh nạn khi chồng họ hứa không bạo hành nữa)…

Cô dâu Việt trong đoạn clip nói trên cho biết, dù mới làm vợ thời gian không lâu nhưng cô đã bị đánh nhiều lần và cô quyết định cho mọi người biết tình trạng của mình bằng cách lén ghi lại hình ảnh vụ việc bằng chiếc điện thoại di động đặt trên túi tã trẻ em trong phòng khách và gửi bằng chứng về hành vi tàn độc của chồng mình đến người quen.

Cách ứng xử của cô cũng là cách ứng xử của rất nhiều cô dâu Việt tại Hàn Quốc. Trong nghiên cứu của Tiến sĩ Park Suyeon, gần 80% phụ nữ bị bạo hành cho biết họ đã chia sẻ hoàn cảnh của mình cho bạn bè, người thân hoặc hàng xóm và mong muốn nhận được sự an ủi, hỗ trợ về mặt cảm xúc như lời khuyên hay kêu gọi nguồn lực giúp đỡ. 

Nhiều cô gái rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành đều muốn kết thúc cuộc “hôn nhân địa ngục” (cô dâu bị chồng đánh trong clip vừa qua đang đề đạt nguyện vọng được ly hôn và tiếp tục ở lại Hàn Quốc để đi làm nuôi con) song đây không phải là chuyện dễ dàng. Chưa kể, họ có khả năng bị trục xuất nếu không chứng minh được nguyên nhân ly hôn là do bị chồng bạo hành hoặc theo lời khuyên của một số nhà môi giới rằng họ sẽ không thể được gặp con nếu ly dị chồng.

Bà Kang Hye-sook, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền phụ nữ di cư tại thành phố Daegu, nói với Korea Times: “Những người vợ nước ngoài khó thu thập bằng chứng bị bạo hành gia đình. Họ không sõi tiếng, không quen thuộc đường đi lối lại ở địa phương hay thậm chí không thể nhớ được bệnh viện nào mình đã đến điều trị để lấy kết quả. Các đồn cảnh sát địa phương thường thiếu phiên dịch viên để phục vụ việc lấy lời khai, những thứ rất quan trọng khi ra tòa xét xử”. 

Nỗi buồn hồi hương

Quê nhà luôn là nơi giang tay che chở đón các cô dâu Việt trở về sau những tổn thương nơi xứ người. Tuy nhiên, khi hồi hương họ cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, nhất là với những đứa con mang hai dòng máu của họ.

Là một tỉnh có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng, con số phụ nữ lấy chồng nước ngoài tăng nhanh ở một số địa phương trong tỉnh vào những năm 2000 - 2007. Từ năm 2008 đến năm 2010, tình hình tạm lắng, nhưng đến năm 2011, nhất là năm 2012 lại tăng mạnh ở một số nơi.

Theo số liệu của Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, đến tháng 11/2018, có 8.782 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, trong đó lấy chồng Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) chiếm 68%. Riêng năm 2018, có 391 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, trong đó có 23 trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc.

Tổng số trẻ em là con của công dân Việt Nam với người Trung Quốc, Ðài Loan qua khảo sát từ năm 2015 đến nay là 226 em. Trong đó, số trẻ em đã được đăng ký khai sinh và có quốc tịch Việt Nam là 180 em, trẻ em đã có hộ chiếu nước ngoài mang quốc tịch nước ngoài 30 em, số trẻ chưa đủ điều kiện đăng ký khai sinh là bảy em và còn chín em đang được rà soát, xác minh.

Theo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, những đứa trẻ không có giấy khai sinh nhưng vẫn rất cần được đến trường đi học. Hiện nay, tuy rằng ngành giáo dục chủ trương vẫn cho các em vào học theo độ tuổi nhưng không có giấy khai sinh, đồng nghĩa các trẻ không phải là công dân Việt Nam.

Nhưng khi đến ngưỡng cửa đại học, các em không được vào các trường công lập. Những vướng mắc nêu trên nếu không sớm được tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi và tương lai của trẻ em mang hai dòng máu này. 

Từ thực tế này có thể thấy, kết hôn với người nước ngoài là một thực tế, là một vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; giải pháp ngăn chặn hành chính, hoặc buông lỏng tự phát đều gây hệ lụy. Vấn đề là các cấp, các ngành cần xử lý tốt hơn nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. 

“Ðể giải quyết và hạn chế tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài thiếu hạnh phúc, Bộ Tư pháp cần ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu cho con lai giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài.

Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn về công tác xuất cảnh, nhập cảnh trong kết hôn có yếu tố nước ngoài, vì hiện nay nhiều người kết hôn với người nước ngoài không qua Sở Tư pháp đăng ký, nhưng vẫn kết hôn và xuất cảnh dễ dàng” - Chủ tịch Hội LHPN Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi kiến nghị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus