Thủy điện Trường Phú khai thác “nhầm” vị trí cấp phép đến 10km

04/07/2019 14:55

Kinhte&Xahoi Công ty Cổ phần thủy điện Trường Phú được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép khai thác tận thu cát, sỏi lòng hồ dự án thủy điện A Lin B1 (huyện A Lưới) làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, đơn vị này lại khai thác “nhầm” vị trí được cấp phép đến 10km, làm ảnh hưởng môi trường và cuộc sống người dân.

Việc khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép đã để lại nhiều hố sâu

Băm nát suối A Lin

Suối A Lin (hay còn được gọi là Đăq Pling) bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua địa bàn các xã Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Bắc (huyện A Lưới) trước khi đổ vào sông A Sáp. Còn Nhà máy thủy điện A Lin B1 do Công ty Trường Phú làm chủ đầu tư trong đó có gói thầu đập dâng, đập tràn được khởi công vào tháng 9/2015.

Theo người dân địa phương, trước đây con suối này hoang sơ, tài nguyên cát sỏi khá dồi dào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn khai thác cát cả có phép lẫn trái phép một cách ồ ạt đã khiến nhiều đoạn suối bị băm nát. 

Theo quan sát, dọc theo con suối vẫn còn nguyên những dấu vết của việc khai thác cát, sỏi. Hiện trường là những khối đá lởm chởm, sâu hoắm, còn nguyên dấu lốp ô tô, vết xích xe múc khiến việc đi lại của dân gặp không ít khó khăn. Một con đường đất ven suối cũng vừa được lập trái phép nhằm phục vụ vận chuyển cát sỏi ra khỏi địa bàn. Dọc suối A Lin, hàng chục ụ cát sỏi khai thác nhưng chưa được vận chuyển đi nơi khác. Nước suối luôn trong tình trạng vàng đục.

Theo ông Hồ Văn Tuấn (ngụ xóm Đụt, thôn Lê Triêng 2, xã Hồng Trung), việc khai thác cát ở đoạn suối này đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Các đối tượng đã đưa máy xúc, ô tô vào làm đường đi, múc cát rồi chở ra ngoài.

Ông Tuấn nói: “Con suối mát lạnh mà chúng tôi thường hay tắm rửa mỗi khi từ rừng về giờ đã đổi màu, không dùng được. Còn hàng rào nương rẫy để chặn trâu bò của dân chúng tôi cũng bị họ ủi để mở đường khai thác cát. Con đường đi rẫy của bà con cũng bị đào xới khiến việc đi lại của chúng tôi rất khó khăn và nguy hiểm nhất là những lúc mưa gió. Dân lên tiếng thì họ nói “chính quyền đã cho phép”, không ai làm gì được họ cả”.

Khai thác ngoài vị trí cho phép

Theo tìm hiểu, nhằm khai thác tận thu cát, sỏi lòng hồ dự án thủy điện A Lin B1, Trường Phú đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép khai thác tận thu cát, sỏi lòng hồ dự án thủy điện làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực suối A Lin nhằm phục vụ thi công hạng mục đập dâng vào năm 2016, thời hạn cấp phép 11 tháng.  Sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có Văn bản số 68/XN- UBND về việc gia hạn thời hạn khai thác cát, sỏi cho Trường Phú.

Theo công văn này, vị trí cho phép đơn vị khai thác cát, sỏi tại bãi bồi suối A Lin thuộc địa phận giáp ranh hai xã Hồng Vân và Hồng Trung (A Lưới). Diện tích mỏ cát là 6,02ha; khối lượng cát, sỏi khai thác 19.000m3, công suất khai thác hơn 2.272m3/tháng; phương thức khai thác từ thượng lưu về hạ lưu suối A Lin, chiều sâu khai thác từ 0,9 - 1,5m; thiết bị khai thác gồm máy đào, máy ủi, máy sàn...

Công văn nêu rõ như vậy nhưng Trường Phú đã khai thác ngoài vị trí cho phép đến tận thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, cách vị trí cấp phép gần 10 km.

Đối tượng khai thác cát trái phép để lại những đống cát bên suối

Ông Lê Văn Chanh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Trung) cho biết, đoạn suối nằm trên địa bàn xã, các cơ quan có thẩm quyền chưa hề cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào được khai thác khoáng sản. “Họ ăn trộm cát sỏi, phá nát sông suối A Lin và đường lên nương của bà con. Cách đây khoảng 1 tháng, sau khi có thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã vào hiện trường kiểm tra, yêu cầu những người khai thác cát không được tiếp tục thực hiện việc khai thác lậu nữa”.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện A Lưới về việc khai thác cát, sỏi trái phép tại suối A Lin (xã Hồng Trung), từ đầu năm 2019 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra nhiều lần, ngăn chặn đẩy đuổi các đối tượng khai thác cát, sỏi bằng thủ công.

Tuy nhiên, do dòng suối A Lin chạy dài bắt nguồn từ rừng tự nhiên ra đến khu dân cư nên “cát tặc” đã lợi dụng nơi hẻo lánh xa khu dân cư để khai thác cát sỏi, tránh sự kiểm tra của chính quyền. Vì vậy, các đối tượng đã tiến hành khai thác cát sỏi, trái phép. Dọc theo tuyến đường còn để lại các hố rộng khoảng 30 - 40m2 sâu khoảng 0,6 - 0,8m và một số bãi cát, sỏi ước khoảng 30 - 40m3 nằm rải rác vẫn chưa kịp vận chuyển ra khỏi vùng khai thác.

Cũng theo báo cáo, huyện đã chỉ đạo các đơn vị thi công, nhà thầu không được khai thác cát, sỏi ở các khu vực chưa được cấp phép. Đồng thời nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào khai thác thì báo cáo cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư

Ông Nguyễn Mạnh Hùng  (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới) cho biết: “Bước đầu huyện xác nhận có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên suối A Lin. Tuy nhiên, để xác định ai là thủ phạm và khối lượng thiệt hại như thế nào thì huyện rất cần sự hỗ trợ của tỉnh vì lực lượng của huyện mỏng, lại thiếu máy móc để đo đạc, kiểm đếm”.

Ở diễn biến khác, vào ngày 2/7, ông Phan Thiên Định (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) đã đi khảo sát thực tế và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện, các đơn vị liên quan cùng Công ty Trường Phú về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép tại suối A Lin.

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Phan Thiên Định cho rằng việc khai thác cát, sỏi trái phép tại suối A Lin có quy mô tương đối lớn tại địa bàn phức tạp, hẻo lánh. Để làm rõ và xử lý dứt điểm, cần có sự phối hợp tích cực giữa Ủy ban nhân dân huyện, Sở Tài nguyên và môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh và chủ đầu tư dự án là Trường Phú.

Suối A Lin đục ngầu, ô nhiễm vì bị khai thác cát

“Qua vụ việc này cho thấy, việc quản lý khai thác cát, sỏi khu vực dự án cũng như khu vực xung quanh dự án của Trường Phú là chưa chặt chẽ và thiếu trách nhiệm. Việc khai thác cát sỏi ở đây chỉ phục vụ thi công công trình thủy điện cho nên trách nhiệm ở đây là của chủ đầu tư”, ông Định nói rõ. 

Ông Định nhấn mạnh, cần phải làm rõ hơn về khối lượng khai thác, việc khai thác ngoài phạm vi của mỏ được cấp phép là bao nhiêu, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước đến đâu, trách nhiệm đơn vị khai thác ra sao để có chế tài xử lý cụ thể hơn.

Sở Tài nguyên và môi trường phải phối hợp Cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện khai thác cát, sỏi tại khu vực này có đúng theo giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh cấp cho Trường Phú hay chưa? Đã khai thác bao nhiêu và sử dụng vào công trình như thế nào?

Đồng thời cần thanh tra việc sử dụng khoáng sản của các đơn vị đang thi công, cụ thể việc nhập khoáng sản để thi công phải có chứng từ, hóa đơn rõ ràng, chứng minh nguồn gốc khai thác để có cơ sở xử lý. Với phần khai thác ngoài mỏ được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép khai thác thì phải thực hiện truy thu, xử phạt.

Ông Định cũng đề nghị Trường Phú phải nâng cao vai trò trách nhiệm hơn nữa để đảm bảo chất lượng công trình cũng như phát huy vai trò của chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổng thể trong việc quản lý khu vực triển khai dự án. Nếu tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại khu vực này tiếp tục tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng thì tỉnh sẽ có biện pháp đình chỉ, thậm chí ngưng hoạt động dự án để chấn chỉnh, xử lý.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus