Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 10/3ảnh: Xinhua

Chuyến thăm của ông Tập là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc đang hiệu quả trong chống dịch Covid-19.

Ông Tập đến thăm đúng ngày Vũ Hán đóng cửa bệnh viện cuối cùng trong số 14 bệnh viện dã chiến được lập ra để tiếp đón số bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến, khiến hệ thống y tế của thành phố bị quá tải suốt 2 tháng qua, trang tin The Paper cho biết.

Sáng 10/3, Trung Quốc thông báo nước này chỉ có thêm 19 ca nhiễm Covid-19, giảm nhiều so với con số 40 của hôm trước. Hôm qua cũng là ngày thứ ba liên tiếp Trung Quốc không có ca nhiễm mới nội địa nào ngoài tỉnh Hồ Bắc.

“Rõ ràng ông Tập không thể thăm Vũ Hán sớm hơn vì ông ấy sẽ đối mặt với rủi ro nhiễm bệnh rất cao”, GS Zhang Ming, công tác tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh, nói với Reuters.

“Ông ấy giờ có thể thu hoạch thành quả rồi. Ông ấy đến đó nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố chiến thắng virus”, ông Zhang đánh giá.

Cũng trong ngày hôm qua, Hồ Bắc cho biết, sẽ triển khai hệ thống “mã số y tế” để cho phép người dân ở khu vực có rủi ro thấp hoặc trung bình bắt đầu được phép di chuyển.

Tại Tiềm Giang, một thành phố khác ở Hồ Bắc, tất cả các chốt kiểm tra giao thông sẽ được dỡ bỏ, giao thông công cộng được hoạt động trở lại và các doanh nghiệp sẽ sớm được khôi phục công việc. 

Tính đến nay Trung Quốc đã có tổng số 80.754 ca nhiễm. Trong số đó, 59.897 người đã được xuất viện.

Ảm đạm ở Ý

Hôm qua, Ý tỉnh dậy với những con phố vắng hoe sau khi chính phủ mở rộng lệnh phong toả ra khắp cả nước.

Sắc lệnh được Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo cuối ngày 9/3 nhằm hạn chế di chuyển và đóng cửa các khu vực công cộng để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng nhất ở châu Âu.
 
“Tương lai của Ý nằm trong tay chúng ta. Hãy làm phần việc của mình, bằng cách hy sinh điều gì đó vì lợi ích chung”, ông Conte viết trên Twitter để kêu gọi người dân cùng chia sẻ trách nhiệm.

Trong ít nhất 3 tuần tới, người dân Ý chỉ được phép đi lại vì lý do công việc, y tế hoặc tình huống khẩn cấp. Bất kỳ ai ra ngoài cũng phải khai báo lý do và mang theo giấy khai.

Các sự kiện tập trung đông người và ngoài trời đều bị cấm, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 6h tối. Tất cả trường học đóng cửa đến ngày 3/4. “Toàn bộ Ý đã đóng cửa” là tiêu đề chính trên báo Corriere della Sera.

Khi ngày mới sang, đường phố Rome tĩnh lặng bất thường, những chiếc ô tô chạy bon bon trên những con đường mà trước đây hay tắc nghẽn. Cảnh tượng tương tự được trông thấy ở thủ đô tài chính Milan.

Những biện pháp khẩn cấp được triển khai trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Ý tiếp tục tăng, lên tổng số 9.172 ca nhiễm và 463 trường hợp tử vong.

Ông Conte hứa sẽ có “liệu pháp sốc quy mô lớn” để vực nền kinh tế. Bộ trưởng công nghiệp Stefano Patuanelli hôm qua thông báo sẽ thông qua gói kích thị trị giá khoảng 10 tỷ euro, Reuters đưa tin.

Trong khi đó, Trung tâm phòng chống bệnh tật châu Âu hôm qua cho biết, Covid-19 đã hiện diện ở tất cả các nước thành viên EU, sau khi Cyprus phát hiện 2 ca nhiễm đầu tiên.

Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ đã tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với một người nhiễm bệnh tại sự kiện chính trị diễn ra tuần trước mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tham dự. Ông Trump bị nhiều người chỉ trích vì hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại Mỹ, trong khi nước này đã có 423 ca nhiễm và 19 ca tử vong trên khắp 35 bang.

Tại Seoul, Hàn Quốc vừa phát hiện một ổ dịch lớn, với ít nhất 50 ca nhiễm. Ổ dịch này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ virus phát tán rộng khắp vùng đô thị có 25 triệu dân, tức một nửa dân số của nước này, Yonhap đưa tin.   

 Ông Trump bị nhiều người chỉ trích vì hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại Mỹ, trong khi nước này đã có 423 ca nhiễm và 19 ca tử vong trên khắp 35 bang.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-hieu-vui-tu-vu-han-d119111.html