Tỉnh Hà Giang lên tiếng về dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú

02/11/2019 10:32

Kinhte&Xahoi UBND tỉnh Hà Giang vừa có báo cáo gửi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình triển khai dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú (Chùa Lũng Cú) tại huyện Đồng Văn.

Một góc dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú

Dự án triển khai đúng báo cáo ĐTM được duyệt

Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương năm 2016, do Công ty CP Phúc Lộc Hà Giang làm chủ đầu tư với nguồn vốn dự kiến hơn 800 tỷ.

Dự án được triển khai trên phần diện tích đất hơn 75ha, gồm các hạng mục chính công trình tâm linh, đại tượng phật. Dự án này được triển khai từ năm 2017, các hạng mục đã thực hiện gồm xẻ một phần núi đá, xây dựng các hạng mục tâm linh, san đường nội bộ dự án và móng sân trong quần thể công trình chùa Lũng Cú. 

Tuy nhiên việc thi công dự án bị cho là có một số sai sót, trong đó một thời gian sau khi khởi công dự án mới có phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ TN&MT.

Trong báo cáo  do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký ngày 31/10/2019, khẳng định, xuất phát từ thực tiễn địa phương, việc đầu tư dự án chùa Lũng Cú là rất cần thiết, với mục tiêu hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Công trình còn được cho là tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Công trình sẽ khẳng định chủ quyền đất nước bằng nền tảng văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc tại nơi biên cương cực Bắc, đáp ứng văn hóa tâm linh của người dân; tạo việc làm cho người lao động địa phương; qua đó đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tỉnh Hà Giang cho biết đã phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động doanh nghiệp và các cá nhân đầu tư công trình từ nguồn xã hội hóa. Sau khi đầu tư hoàn thiện, dự án sẽ được bàn giao cho Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý vận hành để phục vụ các yêu cầu nêu trên.

Về quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trên cơ sở thống nhất nội dung hồ sơ đề xuất dự án của các ban, ngành, ngày 26/10/2016, Sở KH&ĐT tỉnh đã tổng hợp và có báo cáo thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tháng 11/2016, Sở KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT). Tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy CNĐT, dự án thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Hà Giang cho rằng dự án đã được UBND tỉnh, chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, trong đó có tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các sở, ban, ngành, ý kiến của Bộ VHTT&DL và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) được duyệt với mật độ xây dựng Chùa Lũng Cú là 5,09%; mật độ xây dựng của toàn dự án là 1,3%, đảm bảo theo đúng ý kiến đóng góp của Bộ VHTT&DL.

Công trình chùa Lũng Cú đang dần hoàn thành

Trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM của dự án, tỉnh đã có báo cáo và hồ sơ giải trình cụ thể các nội dung của Bộ VHTT&DL yêu cầu, trong đó chủ đầu tư chuyển kết cấu từ bê tông giá gỗ sang kết cấu gỗ để đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật và sinh thái; về kiến trúc thực hiện theo đúng hoa văn thời Lê sơ, bảo đảm theo văn hóa truyền thống Bắc Bộ.

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành việc cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích Cột Cờ Lũng Cú vào tháng 11/2017 (5 cột mốc giới), hoàn thành báo cáo ĐTM và đã được Bộ TN&MT phê duyệt ngày 2/11/2018.  Hiện dự án đang thực hiện theo đúng quyết định của Bộ TN&MT.

Dự án nằm ngoài khu vực vành đai II di tích Lũng Cú

Về quy hoạch, qua đối chiếu hiện trạng dự án đã được triển khai, số liệu kiểm tra, rà soát hồ sơ, bản đồ các quy hoạch, UBND tỉnh Hà Giang cho biết dự án nằm ngoài khu vực vành đai II - khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Lũng Cú (khoảng 150m), phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm xã Lũng Cú; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Đồng Văn; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 310/2013/QĐ-TTg.

Theo Hà Giang, thời điểm dự án bắt đầu triển khai, khi ấy chưa có các Quy hoạch 438/QĐ-TTg và 2057/QĐ-TTg của Thủ tướng, nhưng trong quá trình triển khai, dự án đã được thực hiện đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2015, tầm nhìn 2010 (được Thủ tướng phê duyệt tại hai Quyết định nêu trên).

Tiếp thu ý kiến của Bộ VHTT&DL tại các văn bản năm 2018, UBND tỉnh Hà Giang cho biết đã nghiêm túc tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ phê duyệt với mật độ xây dựng thấp, đảm bảo cảnh quan môi trường khu vực dự án. Đồng thời sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ hoàn trả cảnh quan khu vực dự án đẹp hơn trước vì trong dự án có phương án trồng cây cảnh quan và thảm thực vật…

Theo UBND tỉnh Hà Giang, dự án được xây dựng sẽ là điểm nhấn cho khu vực, góp phần tạo thêm “cột mốc văn hóa” hiện hữu nơi địa đầu Tổ quốc. Khi dự án đưa vào sử dụng sẽ bổ sung một hướng đi mới trong du lịch của địa phương, đồng thời làm thay đổi rõ rệt khu vực biên giới.

UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ VHTT&DL tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo địa phương trong quá trình rà soát, xử lý, hoàn thiện thủ tục và triển khai dự án, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc địa phương.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, hiện dự án đang triển khai, thực hiện giai đoạn 1 với các hạng mục xây dựng chùa Lũng Cú, diện tích xây dựng 2.343m2 (trên tổng diện tích 5,8ha đã bồi thường, giải phóng mặt bằng).

Thực hiện ý kiến của Bộ VHTT&DL gửi ngày 25/10, vào ngày 29/10, UBND tỉnh Hà Giang đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực địa dự án

Hà Giang cho biết hiện nay, tỉnh cũng đang giao cho các cơ quan chức năng rà soát về trình tự thủ tục đầu tư dự án, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. "Quan điểm của tỉnh Hà Giang là không vì thu hút đầu tư mà phá vỡ cảnh quan, môi trường nơi đây", văn bản nhấn mạnh.


  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus