Bộ TN&MT yêu cầu Nhiệt điện Hải Phòng xử lý 600.000 tấn xỉ đáy lò. Ảnh: Internet
Lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động chưa đúng theo quy định
Theo kết luận thanh tra, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng hiện đang vận hành 2 nhà máy là Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 hoạt động phát điện từ năm 2011 và Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 hoạt động phát điện từ năm 2014.
Qua kiểm tra cho thấy, công ty đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ tần suất 4 lần/năm, các thông số và vị trí quan trắc theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Về bụi và khí thải phát sinh từ các tổ máy được xử lý bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, phun đá vôi kiểu ướt để xử lý trước khi thải ra môi trường qua 2 ống khói cao 200m.
Công ty đã áp dụng công nghệ đốt kiểu phân cấp để giảm thiểu khả năng tạo NOx trong khí thải. Khí thải trước khi thải ra môi trường phải xử lý đạt QCVN 22:2009/BTNMT. Công ty cũng đã lắp đặt camera theo dõi khí bụi, đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động để theo dõi, giám sát đối với 6 thông số là lưu lượng, bụi, CO, SO2, NOx và Oxi dư rồi truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT TP Hải Phòng…
Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống quan trắc khí thải tự động hoạt động bình thường và truyền dữ liệu về Sở TN&MT TP Hải Phòng theo quy định. Công ty đã xây dựng quy trình vận hành chuẩn, quy trình kiểm tra ống dẫn mẫu và kiểm tra bằng khí chuẩn tần suất 10 ngày/lần, lập sổ nhật ký về hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị.
Đáng chú ý, kiểm tra vị trí lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động và lấy mẫu khí thải của 4 ống khói/2 nhà máy có độ cao +18m tính từ chân ống khói (tương đương độ cao ống khói nằm ngang hút khí từ lò đốt dẫn vào ống khói đứng), không đáp ứng yêu cầu về chiều cao tối thiểu (≥ 2 lần đường kính ống khói) theo quy định tại Thông tư số 24/2017 của Bộ TN&MT.
Về chất thải rắn, kết luận thanh tra cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, khối lượng phát sinh như sau: Tro bay 633.473 tấn, xỉ đáy lò là 106.534 tấn, chất thải rắn sinh hoạt trên 165 tấn.
Về chất thải nguy hại (CTNH), kết luận thanh tra chỉ ra, 8 tháng đầu năm 2020 khối lượng CTNH phát sinh khoảng 242.615 kg bao gồm giẻ lau nhiễm dầu mỡ, bóng đèn huỳnh quang thải, bao bì nhiễm hóa chất, dầu thải, nước thải nhiễm dầu… được thu gom, phân loại, tập kết trong kho chứa CTNH theo quy định. Công ty đã bố trí kho lưu trữ CTNH theo quy định tại Thông tư 36/2015/ TT- BTNMT.
Tại thời điểm thanh tra, trong kho lưu giữ CTNH không còn lưu giữ CTNH. Công ty đã chuyển giao CTNH cho Công ty Cổ phần Thương mại Hải Đăng vận chuyển và xử lý theo Hợp đồng số 3938 ngày 30/6/2020. Công ty đã 14 lần chuyển giao CTNH cho Công ty Cổ phần Thương mại Hải Đăng, trong đó ngày gần nhất là ngày 8/9/2020. Công ty đã lập bộ chứng từ CTNH trong quá trình chuyển giao, thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.
Yêu cầu xử lý khoảng 600.000 tấn xỉ đáy lò
Đối với xỉ đáy lò, công ty sử dụng nước thải sản xuất sau xử lý để dẫn ra bãi chứa xỉ (diện tích khoảng 56ha) theo các đường ống kín dài khoảng 3km. Tại đây, xỉ đáy lò được công ty bán lại cho 2 đơn vị (Công ty TNHH My Sơn và Công ty TNHH TMDV và XD Hưng Ngọc) làm nguyên liệu thay thế cho vật liệu xây dựng thông thường. Xỉ đáy lò của công ty được Viện Vật liệu xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tại bãi thải còn tồn khoảng 600.000 tấn xỉ đáy lò phát sinh của những năm 2017 trở về trước.
Ngoài ra, công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của nhà máy; thực hiện giám sát môi trường định kỳ; đã đăng ký sổ chủ nguồn thải CTNH; đã quản lý chất rắn thông thường và CTNH đúng quy định; đã có báo cáo quản lý CTNH định kỳ; đã có hệ thống xử lý khí thải và nước thải; đã có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; đã nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên nước...
Bộ TN&MT đã đề nghị Sở TN&MT TP Hải Phòng giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng và hướng dẫn công ty thực hiện các thủ tục theo quy định trong quá trình khắc phục tồn tại.
Đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, lấy mẫu khí thải đúng vị trí quy định theo Thông tư số 24/2017.
Lập phương án xử lý đối với khoảng 600.000 tấn xỉ đáy lò phát sinh của năm 2017 trở về trước còn tồn tại bãi thải; niêm yết công khai kết luận thanh tra này tại trụ sở trong 15 ngày…
Thái Hải - Theo Báo Thanh tra