Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không nhân nhượng về độc lập chủ quyền

15/10/2019 16:42

Kinhte&Xahoi “Thái độ của Đảng ta tuyên bố dứt khoát, trong những ngày này ta rất kiên quyết, nhưng khôn khéo”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, và khẳng định, những gì thuộc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không nhân nhượng...

Sáng nay (ngày 15/10), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Hơn 70 cán bộ cấp cao bị xử lý

Phát biểu tại đây, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (quận Ba Đình) đánh giá cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra rất gay go, quyết liệt. Nhân dân rất chia sẻ, đồng tình khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang có quyết tâm rất cao trong cuộc chiến chống giặc nội xâm, đang đưa cuộc chiến này lên cao trào, mạnh mẽ và đã đạt kết quả tích cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Tuy nhiên, cử tri Hảo cho rằng, còn nhiều việc phải làm, kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, các giải pháp trong phòng, chống tham nhũng chưa đủ sức răn đe hành vi tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Do vậy, cử tri, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp mạnh tay và cương quyết hơn nữa.

“Muốn làm được trước hết phải có đội ngũ trong sáng; phải xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra tham nhũng và tham nhũng khi xử lý xong phải tịch thu tài sản của họ để sung vào công quỹ, không để tư tưởng hi sinh đời bố củng cố đời con”, ông Hảo nói.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (quận Ba Đình) thì cho rằng, sai phạm chủ yếu trong các cơ quan quản lý nhà nước nhưng việc phát hiện của các cơ quan này rất hạn chế. “Lẽ ra sai phạm trong quản lý nhà nước thì bên nhà nước phải phát hiện ra và trình Bộ Chính trị các cơ quan của Đảng để xử lý. Thế nhưng chúng ta đang làm ngược lại. Do đó, phải chú trọng việc xây dựng được nhà nước pháp quyền để chống tham nhũng hiệu quả hơn”, ông Thước cho hay.

Trước vấn đề trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, với bên ngoài, mà với “chính chúng ta”, trong từng con người.

“Không phải chỉ Đảng làm mà phải luật pháp hóa, thể chế hóa, cả hệ thống chính trị, toàn dân làm mới thành công được”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ cao cấp bị xử lý. Trong đó có 1 người là Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 người là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 người là nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 người là nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ…

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay, tại hội nghị Trung ương vừa rồi đã tiếp tục thi hành 2 người là nguyên Uỷ viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

“Lúc đầu cũng cãi ghê lắm, có chịu nhận lỗi đâu. Nhưng đây mới là xử lý kỷ luật trong Đảng, còn hành chính, hình sự vẫn tiếp tục làm”, Tổng Bí thư cho hay.

Kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Phát biểu tại hội trường, cử tri Nguyễn Văn Đoàn (Ba Đình) bày tỏ lòng tin với Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc quyết tâm, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền lãnh trên đất liền và biển đảo của Tổ quốc. Theo ông Đoàn, đây là cuộc đấu tranh với nhiều khó khăn. Vì vậy, ông cho rằng, cần phải bồi dưỡng cho các thế hệ tương lai biết rõ những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông.

“Bằng chứng lịch sử rất xác đáng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, cử tri Đoàn nói và đề nghị các nhà khoa học cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa thêm nội dung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình sách giáo khoa.

Cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4. (Ảnh: Như Ý)

Chung mối quan tâm, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (phường Điện Biên, quận Ba Đình) cho rằng, dư luận, nhân dân, cử tri rất quan tâm và lo ngại khi Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.

“Để bảo vệ vững chắc thềm lục địa và lãnh hải của Tổ quốc, nhân dân mong Đảng, Nhà nước có giải pháp, quyết sách về vấn đề biển Đông hiện nay và những năm về sau”, cử tri phường Điện Biên bày tỏ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, về vấn đề đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông, Hội nghị Trung ương vừa qua đã dành một buổi để thảo luận. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vấn đề trên biển cần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

“Thái độ của Đảng ta tuyên bố dứt khoát, trong những ngày này ta rất kiên quyết, nhưng khôn khéo”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và khẳng định, những gì thuộc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không nhân nhượng. Thực tế đã chứng minh điều đó..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus