Tổng cục Quản lý thị trường phản hồi về thông tin hàng giả, hàng nhái tại một số chợ

02/03/2021 20:38

Kinhte&Xahoi Liên quan tới thông tin về tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại một số chợ truyền thống và sàn thương mại trực tuyến tại Việt Nam được nêu trong báo cáo mới đây của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), hôm nay (2-3), đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã đưa ra quan điểm phản hồi.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đây là báo cáo được USTR thực hiện hằng năm (kể từ năm 2006). Trong danh sách của báo cáo năm 2020, Việt Nam có 3 chợ truyền thống và trực tuyến bán các hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, đó là: Shopee (chợ trực tuyến); Bến Thành và Đồng Xuân (chợ truyền thống).

Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra các bằng chứng cụ thể về vi phạm cũng như không phản ánh quan điểm chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ về môi trường thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chung ở các quốc gia có liên quan. Danh sách trên được xây dựng chủ yếu dựa trên các thông tin đại chúng công khai.

Riêng với trường hợp của sàn thương mại điện tử Shopee, báo cáo đề cập tới toàn bộ hệ thống của Shopee hoạt động trên phạm vi nhiều nước. Mặc dù cùng thương hiệu Shopee, nhưng tại mỗi quốc gia lại có một pháp nhân khác nhau với tên miền có đuôi tương ứng. Theo kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường, Shopee tại Việt Nam (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán công khai là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Vấn nạn này có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, buôn bán, sản xuất hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi và được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối.

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước, mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào Việt Nam tiêu thụ bằng nhiều cách khác nhau.

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã xử lý các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm. Tuy nhiên, việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tái diễn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, từ năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch đấu tranh, xử lý với các tụ điểm nêu trên.

“Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm triển khai, tại hai chợ truyền thống Đồng Xuân và Bến Thành, số ki ốt bày bán hàng có dấu hiệu giả mạo, hàng nhái giảm rõ rệt”, ông Nguyễn Kỳ Minh nhấn mạnh.

Khi lực lượng quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt tại các chợ truyền thống, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lại tìm cách tuồn hàng hóa này lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Với lượng truy cập, tìm kiếm thông tin sản phẩm và giao dịch mua bán lớn nhất Việt Nam, Shopee trở thành chợ mua bán trên mạng sầm uất. Chính vì vậy, vấn nạn hàng giả tại chợ trực tuyến này cũng trở nên nhức nhối và làm cho việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái trở nên khó khăn hơn.

 Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/992521/tong-cuc-quan-ly-thi-truong-phan-hoi-ve-thong-tin-hang-gia-hang-nhai-tai-mot-so-cho