“Trái đắng” tôm hùm đất

03/06/2019 14:51

Kinhte&Xahoi Đưa tôm hùm đất vào môi trường tự nhiên với mục đích lấy thịt làm thức ăn, một số quốc gia châu Phi nhanh chóng hối hận khi loài này sinh sản nhanh chóng, phá hủy hệ sinh thái.

Đảo lộn sự cân bằng hệ sinh thái

Tôm hùm đất lần đầu tiên được nhập khẩu vào châu Phi từ năm 1970. Kenya và Nam Phi là hai quốc gia đầu tiên đưa loài này vào nuôi để làm thức ăn. Nhưng do không có đối thủ tự nhiên nào để kìm hãm sự phát triển của tôm hùm đất, loài vật này nhanh chóng xâm lăng các khu vực khác của châu Phi.

Tôm hùm đất có khả năng sinh sản rất nhanh, con cái có thể đẻ 500 trứng mỗi lần và 3 lần mỗi năm.

Hiện chúng đã xuất hiện ở rất nhiều sông hồ tại Rwanda, Uganda, Ai Cập và Zambia và với bản tính ăn tạp của mình, chúng gần như hủy diệt toàn bộ các loài thực vật thủy sinh, động vật nhỏ, giáp xác, cá và nhuyễn thể.

Các nhà bảo tồn đang lo lắng về nguy cơ tôm hùm đất sẽ có mặt ở các hồ lớn phía đông Phi như Malawi, Tanganyika hay Victoria, nơi có hàng trăm hay hàng nghìn loài động vật bản địa không thể tìm thấy ở nơi khác. "Bằng cách loại bỏ động vật và thực vật khỏi vùng đất ngập nước, tôm hùm đất có thể làm đảo lộn sự cân bằng của hệ sinh thái và làm các chức năng có giá trị của hệ sinh thái", ông Geoffrey Howard, điều phối viên toàn cầu về các loài xâm lấn cho Chương trình Các loài của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cho biết.

Tại Kenya, người dân cho nuôi loài này ở hồ Naivasha và bán cho các thương nhân Bắc Âu sau khi loài tôm càng bản địa tuyệt chủng sau một đợt dịch bệnh.

"Khi đó chúng (tôm hùm đất) chẳng mấy khi được coi là mối đe dọa, nhưng rõ ràng là chúng đã làm ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá ở Naivasha", ông Howard nói.

Chuyên gia này cho biết tôm hùm đất đã ăn thịt cá con và trứng cá, khiến số lượng các loài cá trong hồ giảm đi. Mặc dù nhiều nông dân hưởng lợi từ việc bán tôm hùm đất, công việc kinh doanh chỉ bùng nổ trong ngắn hạn, theo ông Arne Witt, điều phối viên về các loài xâm lấn ở châu Phi của Trung tâm Khoa học Sinh học Nông nghiệp Quốc tế (CABI).

Lý do là số lượng tôm hùm đất thường bùng nổ nhanh chóng sau khi ăn thịt toàn bộ thức ăn bao gồm cả động vật và thực vật ở khu vực. Nhưng khi nguồn thức ăn cạn kiệt, chúng sẽ chết hàng loạt nếu không tìm được địa điểm mới.

Tôm hùm đất cũng được thả xuống các con đập ở nhiều thành phố của Kenya như Nairobi, Kiambu và Limuru để giúp tiêu diệt loài ốc sên mang mầm bệnh. Nhưng tập tính đào hang sâu làm tổ của chúng khiến cho cơ sở hạ tầng địa phương bị phá hủy nghiêm trọng: mương nước bị rò rỉ, các con đập bằng đất sụp đổ và bờ sông bị lở.

Mặc dù tiềm ẩn nhiều đe dọa với môi trường sinh thái, tôm hùm đất vẫn là món ăn khoái khẩu với người Uganda.


Có thể… đi bộ và bơi ngược dòng


Gary Bucciarelli, nhà khoa học tại Đại học UCLA, phát hiện rằng ở những dòng chảy nơi tôm hùm đất sinh sống, số lượng ấu trùng muỗi cũng tăng cao.

"Chúng tôi tìm thấy rất ít ấu trùng chuồn chuồn tại những nơi tôm hùm đất có mặt", ông Bucciarelli cho biết. Khi chuồn chuồn chưa phát triển hẳn, ấu trùng của loài này sống dưới nước và thường xuyên bắt ấu trùng muỗi làm thức ăn. Để hiểu tại sao sự xuất hiện của tôm hùm đất lại khiến muỗi phát triển, các nhà khoa học nuôi chúng trong bể kính tại phòng thí nghiệm.

Khi ấu trùng chuồn chuồn ở một mình, chúng nhanh chóng bắt ấu trùng muỗi làm thức ăn, nhưng khi nuôi cùng với tôm hùm đất, ấu trùng chuồn chuồn không làm điều đó nữa. Không chỉ vì tôm hùm đất ăn thịt ấu trùng chuồn chuồn, sự xuất hiện của chúng cũng khiến ấu trùng chuồn chuồn sợ hãi và không bắt ấu trùng muỗi để ăn. Điều này dẫn tới nhiều muỗi xuất hiện và con người sẽ phải chịu hậu quả, theo ông Bucciarelli. Bên cạnh đó, khả năng di chuyển và thích nghi nhanh chóng của tôm hùm đất cũng khiến chúng trở thành loài xâm lấn hiệu quả.

"Chúng có thể đi bộ và bơi ngược dòng trong những con sông và suối dẫn đến hồ, và rất dễ dàng di chuyển xuôi dòng", chuyên gia Howard từ IUCN cho biết. Tôm hùm đất cũng có khả năng thay đổi hoặc chuyển đổi chế độ ăn dựa trên bất kỳ loại thực phẩm nào có sẵn, từ sinh vật phù du đến động vật lưỡng cư, theo chuyên gia Witt của CABI.

"Tôm hùm đất phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của nhiều loài thực vật thủy sinh", ông Witt nói và giải thích thêm rằng chế độ ăn đa dạng của chúng cũng làm giảm số lượng con mồi có sẵn cho cá, chim và các loài săn mồi khác.

Do không có nguồn quỹ để phát hiện và lập bản đồ sự lây lan của chúng, các nhà khoa học chưa thể biết tôm hùm đất đã xâm nhập vào châu Phi ở mức độ nào, theo ông Howard. "Bẫy hoặc tiêu diệt bằng chất độc có thể kiểm soát loài này trong những vùng nước nhỏ. Rào cản vật lý cũng có thể ngăn chặn sự di chuyển của tôm hùm đất, nhưng chỉ khi biết rõ sự phân bổ của chúng", ông Howard cho biết.

Về lâu dài, các nhà khoa học có thể cần phải tạo nên một dịch bệnh đặc biệt nhắm vào tôm hùm đất, theo chuyên gia Witt của CABI. Điều cần làm nhất vào lúc này là mọi người nên ngừng vận chuyển tôm hùm đất trên khắp lục địa, ông nhấn mạnh. Điều đó nên được coi là "bất hợp pháp và cần bị trừng trị theo pháp luật", ông Witt nói.

Lý giải "vì sao tôm hùm đất đã chứng minh được hiệu quả kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc mà Việt Nam lại cấm?", tiến sĩ Nguyễn Quang Huy (Viện phó Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) nói đưa loài này vào nuôi ở Việt Nam có thể đem lại chút lợi ích trước mắt, nhưng tác hại gây ra cho nông nghiệp rất khủng khiếp, kéo dài.

Chúng bò nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt hơn ốc bươu vàng. Việt Nam đã nhập khẩu tôm hùm đất từ Trung Quốc, nuôi thử nghiệm ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nam vào năm 2006. Kết quả cho thấy loài này sống ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ, thậm chí bò lên cạn thở bằng oxy, thường đào hang sâu 1-2 m nên có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.

Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa. Ông Huy cho rằng Trung Quốc có thể nuôi trồng loài tôm này vì điều kiện đất đai rộng lớn, có nhiều thủy vực tự nhiên không canh tác hoa màu.

Còn Việt Nam, đa số diện tích đất nông nghiệp trồng lúa nước với thửa ruộng nhỏ, tôm hùm đất phát tán ra ngoài sẽ phá hoại mùa màng. Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tôm hùm đất không có giá trị kinh tế cao. Thịt của chúng rất ít, một cân giá 400.000 đồng song chỉ có ba lạng thịt, còn lại toàn vỏ.

"So với các loài tôm bản địa như tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh thì không thể ngon bằng. Nhiều người ăn tôm hùm đất vì lạ miệng, lâu dần sẽ chán", ông Hùng nói. Ông Hùng nói Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ về môi trường sinh thái do tôm hùm đất gây ra, điển hình là việc chúng phá hoại ở dọc sông Trường Giang.

"Việt Nam sở hữu nhiều loài thủy sản có thể tập trung phát triển thành nguồn lợi lớn, tại sao phải chọn nuôi một loài mới từ nước ngoài khi biết nó đem lại quá nhiều rủi ro cho nông dân?", ông Hùng nêu quan điểm và cho rằng "không thể thấy nước khác nuôi con gì mình cũng chạy theo".

Cùng quan điểm, ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), đánh giá tôm hùm đất làm giảm sự đa dạng của các loài thực vật thủy sinh bậc cao, thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng. Chúng tương tác với các loài xâm lấn khác làm giảm các quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh.

Vì lẽ đó, tôm hùm đất không chỉ bị cấm ở Việt Nam mà còn được ghi nhận là loài xâm hại tại Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mexico, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...

 
 

Theo Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…