Tránh lây nhiễm Covid-19 trên máy bay: Rửa tay hiệu quả hơn lọc không khí

06/03/2020 20:19

Kinhte&Xahoi Về thông tin cho rằng không khí trên máy an toàn do có hệ thống lọc và làm sạch không khí sau 3 phút, có khả năng diệt vi rút như hệ thống lọc khí trong bệnh viện, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng không an toàn tuyệt đối.

Khả năng lây nhiễm Covid-19 khi đi máy bay là điều nhiều người quan tâm, đặc biệt sau khi một hành khách Nhật Bản dương tính Covid-19 quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến 73 hành khách cùng chuyến bay phải cách ly.

Khử trùng bên trong máy bay.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp, Bộ Y tế, cho rằng, trước tiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên thế giới thì người dân được khuyến cáo hạn chế đến các nước đang có dịch bệnh này.

Tuy nhiên, do nhiều nhu cầu, việc sử dụng máy bay để di chuyển là khó tránh khỏi. Vì vậy, cần lưu ý một số vấn đề về vệ sinh phòng dịch đối với máy bay nói riêng và phòng ngừa lây nhiễm nói chung.

Theo đó, người đi máy bay nên chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình và cho những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay khô.

Các hãng hàng không cũng được khuyến cáo thường xuyên khử trùng, vệ sinh máy bay. Các chuyến bay chở người từ vùng dịch về hoặc chở người nghi nhiễm Covid-19 đều được khử trùng, vệ sinh theo đúng quy định.

Về thông tin cho rằng không khí trên máy bay an toàn do có hệ thống lọc và làm sạch không khí sau 3 phút, có khả năng diệt vi rút như hệ thống lọc khí trong bệnh viện, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, không an toàn tuyệt đối. Bởi, cơ chế lây lan Covid-19 không phải từ không khí, qua hít thở thông thường như các bệnh cúm. Vi rút SARS-CoV- 2 không bay lơ lửng trong không khí mà bám vào các giọt bắn dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi, nên các loại máy lọc không khí không được đánh giá là có nhiều tác dụng phòng, chống vi rút.

PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, cơ chế lây lan vi rút SARS-CoV-2 dễ nhất vẫn là qua bàn tay. Do vậy, cách tốt nhất là rửa tay thường xuyên và tránh đưa tay lên mặt.

Như vậy, việc lây nhiễm Covid-19 trên máy bay là có thể xảy ra, tuy nhiên người dân không nên quá lo lắng vì có thể phòng tránh vi rút bằng những biện pháp thông thường như các cơ quan y tế đã hướng dẫn.

Trên thực tế, đã có những trường hợp tổ bay đi chung với người dương tính với Covid-19, tuy nhiên không có ai lây nhiễm. Cụ thể là một chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) ngày 23-1, trong số hành khách có cặp vợ chồng người Trung Quốc đi từ Trịnh Châu (Trung Quốc) đến Nha Trang du lịch.

Trong thời gian ở Nha Trang, hai người này ở tại hai khách sạn. Họ đều có dấu hiệu bệnh và đã đến khám tại một bệnh viện ở Nha Trang, song do bệnh viện này không xét nghiệm Covid-19 nên không phát hiện bệnh.

Ngày 28-1, cặp vợ chồng này bay về nước trên chuyến bay của VNA và bị cách ly tại Trung Quốc vì nghi nhiễm bệnh. Sau đó, VNA cho biết cả hai người được thông báo là dương tính với SARS-CoV-2.

VNA sau đó đã tiến hành khử trùng các tàu bay chở đôi vợ chồng này đi Nha Trang và về Trịnh Châu, Trung Quốc; yêu cầu 2 tổ bay bao gồm cả phi công và tiếp viên tự cách ly và theo dõi sức khỏe. Sau đó không có ai lây nhiễm bệnh từ 2 hành khách trên.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/960306/tranh-lay-nhiem-covid-19-tren-may-bay-rua-tay-hieu-qua-hon-loc-khong-khi