“Rơi” cả tỷ đồng nếu vẫn trả lương 100%

Cô Đinh Thị Thuý - Hiệu trưởng trường Mầm non Just Kids, ở số 42, ngõ 61 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, hiện nhà trường có 75 giáo viên. Trung bình, mỗi giáo viên nhận lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nhưng cả tháng qua, để thực hiện công tác phòng, chống dịch SARS-CoV-2, các em học sinh được nghỉ. Trên nguyên tắc “gửi con ngày nào đóng tiền ngày đó” vậy nên, trong giai đoạn này nhà trường không thể thu một khoản chi phí bất kỳ đối với phụ huynh học sinh.

 Nhiều trẻ em đang thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng trong đợt phòng dịch. Ảnh: Bảo Trọng

“Ngoài việc các giáo viên vẫn được hưởng lương 100%, chúng tôi còn phải chi phí khoản tiền thuê mặt bằng. Riêng trường tôi có 3.000m2 mặt sàn, cộng 3 tầng, hằng tháng vẫn phải chi trả cho bên cho thuê nhưng không có nguồn thu nào” – cô Đinh Thị Thuý cho biết.

Để chủ động trong công tác đào tạo, chăm nom các bé, cô Thuý cho biết, trường Mầm non Just Kids đã tiến hành các động tác thăm dò phụ huynh về thời điểm cho con trở lại trường, nhưng đa phần đều chưa muốn con họ quay lại lớp trong tháng 3.

Cũng là những khó khăn tương tự, cô Lê Kim Dung – Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Khu Vườn Xanh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho biết, nhà trường đã khảo sát phụ huynh, nhưng phần lớn đều không muốn đưa con đến lớp vào thời điểm này.

Dự kiến trả 70% hoặc 50% lương cho giáo viên

Chia sẻ thẳng thắn, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Cầu Vồng Xanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội Lê Thị Thanh Thuý cho hay: Nhà trường có 10 giáo viên, 2 cô nuôi và 1 phó hiệu trưởng. Từ ngày có dịch, do các bé nghỉ ở nhà để phòng dịch, nhà trường vẫn luôn cắt cử nhân viên đến vệ sinh, khử khuẩn khu vực trường lớp hằng tuần.

Nói về câu chuyện chế độ cho nhân viên dịp này, cô Thuý nói: “Tư thục vất vả lắm, làm gì có nguồn thu nào khác từ đóng góp của phụ huynh khi gửi con đâu. Giờ dịch bệnh, các con nghỉ, nhưng nhà trường không nghỉ, vẫn phải đóng bảo hiểm cho các cô và trả lương đầy đủ”.

Tương tự, cô Đỗ Thị Chính – Hiệu trưởng trường Mầm non Nắng Xanh, ở khu đô thị An Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội cho biết, Ban Quản trị nhà trường đang bàn sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ 100% lương dịp này là rất khó khăn. "Nếu được, chúng tôi sẽ cố gắng trả 50% đến 70% lương.

Dịch bệnh là vấn đề chung, nên coi như mỗi bên chịu thiệt một chút” – cô Chính nói thêm. Nói thêm về các khoản thu chi, cô Chính chia sẻ: “Mình làm dịch vụ trông nom các con, khi các con nghỉ, việc thu tiền của phụ huynh là không hợp lý. Vả lại, cũng có phụ huynh chặt chẽ, họ tính từng ngày công, cho nên, nhà trường xác định đợt này sẽ rất khó khăn”.

Giáo viên xoay sở để bám trụ 

Nhà trường khó có thể đảm bảo các khoản thu, trong khi, về quê thì không thể có thu nhập, nhiều cô giáo đã tự vận động bằng các mô hình khác nhau.

Cô Nguyễn Thị Mai (quê ở Bắc Ninh, giáo viên một trường mầm non ở địa bàn quận Long Biên, TP Hà Nội) cho hay, việc dịch bệnh là vấn đề bất khả kháng nên đã chủ động liên hệ với các trung tâm, dịch vụ vệ sinh để làm thêm.

“Mình cùng chia sẻ với cộng đồng, với Ban Quản trị nhà trường về khó khăn chung, bởi vậy, mình đã vui vẻ nhận 50% lương tháng 2 này và đã liên hệ một số đơn vị vệ sinh công nghiệp để làm thêm. Khi trường gọi đến dọn dẹp, vệ sinh khử khuẩn thì mình đến, khi rảnh hơn thì mình đi làm thêm, mỗi giờ cũng được 50 - 80.000 đồng, trang trải thêm” – chị Mai tâm sự.

Cũng là những ứng phó tương tự, không ít giáo viên mầm non đã liên hệ các mô hình lao động phù hợp, vừa là trang trải cuộc sống thời dịch bệnh, vừa chờ đợi thời điểm các bé đến lớp. Mặc dù bị cắt giảm thu nhập, nhưng hầu hết các giáo viên mầm non đều chia sẻ: “Sức khỏe là quan trọng nhất. Chúng tôi quá hiểu lý do phụ huynh không đưa con đến lớp lúc này. Tôi cũng có con mới 5 tuổi nên thống nhất chỉ cho con đi học trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Mình thiệt một chút, xã hội ai cũng thiệt một chút, cứ nghĩ như vậy, mọi chuyện sẽ nhẹ nhõm hơn” – cô Nguyễn Thanh Hằng, giáo viên mầm non ở quận Hà Đông, TP Hà Nội nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/truong-mam-non-tu-thuc-lieu-xieu-vi-dich-375910.html