Truy tìm những kẻ đầu độc, phá rừng thông đến "CHẾT"

30/05/2019 09:27

Kinhte&Xahoi Theo cơ quan chức năng thì cây thông bị đầu độc một cách khá chuyên nghiệp và những kẻ đầu độc đã tính toán rất kỹ lưỡng.

Rừng thông bị đầu độc

Trước thông tin dư luận địa phương phẫn nộ về việc hơn 10,7 ha thông tại Tiểu khu 292 (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - là rừng thông trồng của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai) bị đầu độc thì một ngày cuối tháng 5 phóng viên đã tìm về tiểu khu này để tìm hiểu thêm về vụ việc.

Một cây thông có tuổi đời gần 20 năm bị các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khiến cây chết một cách "tự nhiên".

Theo thông tin phóng viên nhận được, hiện tại cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, triệu tập nhiều đối tượng tình nghi lên làm việc nhưng vẫn đang xác minh, điều tra làm rõ vụ việc và chưa công bố danh tính bất kỳ ai.

Đồng thời, trước đó ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã vào cuộc, kiểm tra tình hình thực tế và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp UBND huyện Lâm Hà cùng chủ rừng khẩn trương điều tra, xác định thủ phạm đầu độc hơn 10,7 ha rừng.

Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nhiều khả năng các đối tượng triệt hạ rừng thông để lấy đất sản xuất, sang nhượng bất hợp pháp bởi đất đai tại khu vực này khá bằng phẳng, màu mỡ, lại gần Quốc lộ 28 và đường nội tỉnh của Lâm Đồng.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, ông Nguyễn Minh An cho biết:Để ngăn chặn triệt để các vụ đầu độc rừng bằng chất độc, chỉ có biện pháp mạnh mẽ nhất là xác định được thủ phạm và xử lý nghiêm minh. Việc khoan lỗ rồi đổ chất độc vào thân cây, đẽo vỏ (hay còn gọi ken gốc cây) để thông “chết mòn” là những chiêu thức của “lâm tặc” nhằm để chiếm dụng đất. Có những cây thông từ 20 đến hơn 60 năm tuổi cũng bị phá đến chết.

“Hiện vụ việc đang được công an điều tra làm rõ và khi nào có kết quả sẽ thông tin”, ông An nói.

Một góc cánh rừng thông đã CHẾT.

May mắn thay khi chúng tôi đến đã gặp được một người dân địa phương tên L.Q.M. đã tình nguyện dẫn chúng tôi đến khu rừng thông, nơi bị kẻ xấu đầu độc. Theo ông M. thì đến thời điểm này người địa phương vẫn chưa biết được ai là kẻ gây ra vụ đầu độc cây thông nhưng tất cả đều nghi ngờ là do “lâm tặc” làm ra với mục đích “chiếm đoạt”.

Theo ông M. thì đây không phải lần đầu tiên tại địa phương xảy ra việc đầu độc rừng thông tuy nhiên sau đó tất cả đều “chìm”. “Chắc là do cơ quan chức năng không làm nghiêm khiến tội phạm càng lộng hành hơn nên mới xảy ra cơ sự như hôm nay. Đây có lẽ là vụ đầu độc rừng thông lớn nhất từ trước đến nay, đến mức tôi thấy Thủ tướng cũng đứng ra chỉ đạo phải làm rõ”, ông M. chia sẻ.

Hành trình truy tìm kẻ ác

Vừa đưa ánh mắt buồn bã, ông M. vừa chỉ tay về phía cánh rừng thông bạt ngàn nhưng đã ngả màu vàng úa. Ông M. nói rằng do được phát hiện quá muộn nên rừng thông này đã không thể cứu được nữa mà chấp nhận để cây thông chết dần.

Nhiều vỏ chai thuốc bị vứt bỏ ngay gần khu rừng thông.

Từ chỉ dẫn của ông M. chúng tôi thật sự choáng váng trước cảnh tượng những cây thông trưởng thành đã bị đổi sang màu vàng, héo khô, không thể cứu. Những cây thông bị chết đã xuất hiện những vết chặt kèm theo đó là một lỗ khoan đường kính hơn 1 cm sâu vào thân cây. Và những cây thông “gặp nạn” đều là những cây đã trưởng thành.

Ông M. kể: “Đây không phải là vụ phá rừng đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà đâu. Cách đây không lâu, đó là ngày 3/4 vừa qua, Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà bắt quả tang Lê Văn Thịnh (39 tuổi), trú tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) được Nguyễn Văn Lợi (23 tuổi), trú tại xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) thuê đưa máy xúc vào san ủi trái phép hơn 13.000m2 đất lâm nghiệp.

Diện tích này có gần 3.000m2 thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai và trên 10.000m2 đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. UBND xã Tân Thanh cũng đã lập biên bản, tạm giữ máy móc, nhưng sau đó chỉ xử phạt hành chính Lê Văn Thịnh 1,5 triệu đồng và Nguyễn Văn Lợi 4 triệu đồng”.

Và cũng tại đây, chúng tôi đã gặp cán bộ kiểu lâm đi tuần tra và khi được hỏi, cán bộ này có chia sẻ là trước đây nếu kẻ xấu chặt phá thông thì lực lượng sẽ nghe tiếng và tìm đến ngăn chặn. Nhưng trường hợp này là các đối tượng dùng khoan máy khoan lỗ, sau đó bơm thuốc hóa học vào làm cây thông chết dần từ phần ngọn. Chiêu thức hạ độc như thế này rất khó phát hiện, chỉ đến khi cây thông có dấu hiệu héo úa, vàng lá thì chuyện đã rồi, không thể cứu vãn.

“Đây là những cây thông có tuổi đời khoảng gần 20 năm và vất vả chăm sóc mãi mới được như hôm nay nhưng đã bị hủy hoại. Khả năng các đối tượng dùng khoan điện (không gây tiếng ồn), khoan lỗ sâu vào phần gốc cây thông, sau đó bơm thuốc diệt cỏ vào làm thông chết dần, khi phát hiện thì mọi việc đã muộn”, cán bộ kiểm lâm chia sẻ.

Cũng theo cán bộ kiểm lâm này thì Trước đó vào năm 2018, có gần 700 cây thông ba lá trồng tại tiểu khu 274, lâm phần do Ban QLRPH Nam Ban quản lý (tại Thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) cũng bị các đối tượng khoan lỗ, đổ hóa chất đầu độc.  Qua kiểm tra, gần 700 cây thông bị đầu độc trên diện tích 16.800 m2. Phần lớn số rừng thông bị đầu độc đều nằm cạnh khu vực canh tác cà phê lâu năm.

Thời điểm này liên quan đến vụ việc, ông Trần Văn Tri, đội trưởng đội bảo vệ rừng chuyên trách số 4 - Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban đã phải nhận mức xử lý phê bình, rút kinh nghiệm và cho thôi giữ chức đội trưởng vì để xảy ra sự việc trên.

Chia tay kiểm lâm, chúng tôi cùng anh M. rời rừng thông để trở lại phố với đau đáu biết bao giờ mới hết cảnh những cánh rừng thông bạt ngàn bị “hạ gục”. Mong sao ngành chức năng sớm đưa kẻ ác ra trước ánh sáng để lấy đó làm bài học răn đe những kẻ có ý định “giết” những cây thông.

Trước đó ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thông tin vụ việc hàng nghìn cây thông bị đầu độc chết trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2019. 

 

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…