Từ 1/1/2021, hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh

19/09/2020 09:51

Kinhte&Xahoi Tại phiên họp sáng 18/9, 100% Ủy viên đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH HĐND cấp tỉnh (Văn phòng).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, việc thành lập Văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất 2 văn phòng cần kế thừa phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của quy định về Văn phòng trước đây và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của các Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh; vừa phải đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng riêng của Đoàn ĐBQH và HĐND.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và quan điểm xây dựng Nghị quyết với những lý do nêu trong Tờ trình. Về số lượng và tên gọi các phòng, đa số ý kiến trong UBPL tán thành với loại ý kiến thứ nhất trong Tờ trình và thấy rằng việc xác định số lượng phòng phải căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng vị trí việc làm và số biên chế được giao. Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 3 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tán thành với việc khung biên chế do HĐND quyết định. Về cấu trúc, theo bà Phóng, cấu trúc này nên có 3 phòng “cứng” và tùy từng điều kiện cụ thể của địa phương. “Theo tôi cũng nên có 1 phòng để ứng xử những công việc nội vụ phục vụ cho công tác chuyên môn. Tổ chức hành chính chỉ là phục vụ đơn thuần về mặt hành chính và quản lý tổ chức. Nếu lập ra Phòng Dân nguyện và tuyên truyền pháp luật thì lại là cơ quan chuyên môn của Văn phòng này. Tôi muốn có 4 phòng để họ làm việc cho thuận”, bà Phóng nói. Về cấp phó, theo bà Phóng, trước mắt thực hiện Nghị quyết của Trung ương quy định là có trưởng và 2 phó phòng.

Sau khi thảo luận, 100% Ủy viên UBTVQH có mặt đã đồng ý thông qua nghị quyết trên. UBTV QH thống nhất, Văn phòng này là cơ quan tương đương cấp sở, do HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi thống nhất với Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH. Về cơ cấu, tổ chức, Văn phòng có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Sau khi thống nhất với Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua khen thưởng, kỷ luật Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng.

Nghị quyết cũng quy định Văn phòng có 3 phòng “cứng” là Phòng Công tác QH, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng. Biên chế Văn phòng do địa phương quyết định, bố trí trên cơ sở vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tổng biên chế không vượt quá số lượng hiện nay.

Theo yêu cầu tại nghị quyết, với các địa phương thực hiện thí điểm, việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng UBND cấp tỉnh phải hoàn thành để bảo đảm các cơ quan này bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2021, các địa phương khác phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30/6/202./.

 Minh Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-1-1-2021-hop-nhat-van-phong-doan-dbqh-va-hdnd-cap-tinh-d135565.html