Tuyển sinh đại học năm 2019: Điểm chuẩn trường tốp đầu vẫn cao?

07/08/2019 16:57

Kinhte&Xahoi Theo quy định, sau 8/8, các trường đại học (ĐH) mới được công bố điểm chuẩn. Tuy nhiên, dự báo của các trường ĐH, nhiều khối ngành “hot” như Kỹ thuật, Kinh tế, Y dược,… đều có xu hướng tăng điểm chuẩn so với năm ngoái từ 1 đến 3 điểm.

Ảnh minh họa

Rục rịch công bố điểm chuẩn

Nhiều trường ĐH tốp trên như Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn dự kiến với mức tăng từ 1-2 điểm so với năm 2018. Theo PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường tiếp tục chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc.

Khoảng 19 giờ ngày 8/8, kết quả lọc ảo của nhóm này sẽ được gửi cho các trường, khoảng 22 giờ ngày 8/8, điểm chuẩn xét tuyển sẽ được thông báo công khai. Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn dự kiến của 55 chương trình đào tạo ĐH chính quy.

Nhóm ngành dự báo có điểm chuẩn cao nhất lên tới 28 điểm là khoa học máy tính. Theo đó, ở nhóm 1 điểm chuẩn dự kiến từ 27 đến 28 điểm, nhóm 2 điểm chuẩn dự kiến từ 26 đến 27 điểm và nhóm còn lại từ 19 đến 26 điểm.

Ở khối kinh tế, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, ngày 9/8 trường sẽ chính thức công bố điểm chuẩn, song điểm chuẩn của trường dự kiến sẽ tăng ở một số ngành “hot” như kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, marketing, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quan hệ công chúng…

Năm 2018, ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh tế quốc tế với 24,35 điểm. Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25. Trong khi đó, một số ngành mới mở điểm chuẩn có thể giảm, chỉ dừng lại ở mức bằng hoặc dưới 20,5 điểm.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, trường sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 9/8. Cũng theo ông Tú, với điểm thi và phổ điểm THPT Quốc gia năm 2019 điểm chuẩn vào các trường ĐH Y có thể cao hơn năm 2018 từ 1-3 điểm, tùy từng ngành.

Năm 2018, điểm chuẩn y đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 24,75 điểm, nếu điểm chuẩn tăng từ 1 đến 3 điểm thì ngành có điểm chuẩn cao nhất sẽ ở mức 27 điểm hoặc hơn một chút. 

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, lãnh đạo phòng đào tạo của trường cũng dự đoán, nhiều khả năng điểm chuẩn tất cả các ngành của trường đều tăng so với năm 2018, nhưng sẽ thấp hơn mức điểm năm 2017. Nhiều khả năng mức điểm chuẩn các ngành của trường sẽ tăng từ 1 đến 1,5 điểm so với năm trước. 

Còn ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đơn vị được đào tạo về ngành Y cho biết, nhìn vào phổ điểm và điểm thi của thí sinh có thể nhận thấy, điểm chuẩn vào các trường ĐH Y năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm 2018, từ 1 đến 2 điểm tùy theo từng ngành. Ví dụ ngành Y đa khoa và Răng - Hàm - Mặt có thể cao hơn năm 2018 từ 1,5 đến 2 điểm.

Do phổ điểm thi  của học sinh tăng hơn so với năm 2018 và cũng từ thực tế xã hội đang muốn siết chặt việc đào tạo bác sĩ nói chung và 2 ngành y này nói riêng. Năm nay, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lấy tổng chỉ tiêu cho khối Sức khỏe là hơn 200 thí sinh cho 2 ngành Răng - Hàm - Mặt, Y đa khoa, Dược và Điều dưỡng.

Không còn tâm lý vào đại học bằng mọi giá

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, với phổ điểm như năm 2019, những trường có điểm chuẩn năm ngoái từ 18 đến 23 chắc chắn năm nay sẽ tăng hơn. Còn với các ngành, các trường năm ngoái có mức điểm từ 24 trở lên thì năm nay điểm chuẩn có thể nhích lên nhưng sẽ không tăng quá cao.

Trong khi đó, các trường tốp dưới cạn kiệt nguồn tuyển đến mức phải để mức điểm sàn dưới trung bình để “vét” thí sinh và các trường tốp trên dự kiến sẽ có mức điểm tương đương hoặc cao hơn năm trước thì dự báo sẽ có một lượng lớn thí sinh chuyển từ trường tốp trên sang tốp giữa. Đối với những trường năm trước có mức điểm chuẩn khoảng 18 điểm thì năm nay sẽ xê dịch trong khoảng 3 điểm.

Thực tế, theo PGS Nguyễn Hoàng Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, sau khi điều chỉnh nguyện vọng, số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường tăng lên trên 2.000 so với đợt tháng 4/2019, trong đó số nguyện vọng 1 tăng lên gần 1.000. PGS Nguyễn Hoàng Long nhận định số thí sinh có điểm cao hơn vào trường sẽ tăng lên, dù vậy điểm chuẩn chưa chắc có biến động lớn.

Cùng với đó, theo nhận định của PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức điểm trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và các trường khối ngành xã hội nói chung năm nay sẽ không có nhiều biến động so với năm 2018.

Thêm nữa, những năm gần đây, tâm lý mọi giá phải vào ĐH của thí sinh đã bắt đầu thay đổi, những em có học lực kém hơn sẽ lựa chọn những con đường khác. Điều này sẽ dẫn đến tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH giảm và tác động trực tiếp tới công tác tuyển sinh của các trường tốp dưới, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường tốp trên.

Bởi với những trường tốp đầu, lượng thí sinh ảo có thể không cao, chỉ những thí sinh tự tin và xác định được năng lực của mình lựa chọn… 


Ngày 6/8, các trường ĐH bắt đầu tham gia quy trình thực hiện xét tuyển và lọc ảo tuyển sinh năm 2019. Dự kiến, quy trình này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 6-8/8 trước khi có thông tin về điểm chuẩn chính thức các trường bằng phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia năm nay.

Theo công văn chỉ đạo xét tuyển mà Bộ GD&ĐT gửi các cơ sở đào tạo trước đó, danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 8/8 (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống).

Theo kế hoạch quy trình xét tuyển và lọc ảo tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện lọc ảo toàn quốc lần cuối cùng (lần thứ 6) vào 17 giờ 30 ngày 8/8. Sau thời điểm này cho đến trước 17 giờ ngày 9/8, các trường mới có dữ liệu điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
 




CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus