Tuyển sinh đầu cấp năm học 2022 – 2023: Vời vợi nỗi niềm cha mẹ trẻ…
Kinhte&Xahoi
Nhiều thông tin học sinh bị thay đổi, giá sách giáo khoa tăng vọt cùng với việc lo các khoản thu đầu năm “đổ bộ” trong bối cảnh giá cả tiêu dùng tăng đột biến, khiến nhiều cha mẹ đứng ngồi không yên, trước kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học mới.
Chi phí đội giá, lại lo đóng góp đầu năm…
Lịch tuyển sinh trực tuyến đầu cấp của các trường tại Hà Nội như sau: Thời gian tuyển sinh trực tuyến chính thức là từ: 0h ngày 1/7/2022 đến hết 3/7/2022 (đối với lớp 1), từ 0h ngày 4/7/2022 đến hết 6/7/2022 (đối với trẻ 5 tuổi vào trường mầm non), từ 0h ngày 7/7/2022 đến hết 9/7/2022 (đối với lớp 6).
Chị Nguyễn Thị Hoàn ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Hai năm vừa qua dịch dã khắp nơi, nhà tôi đều làm lao động tự do nên không có việc làm, không có tích luỹ. Năm nay con thứ 2 của tôi vào lớp 1, tôi thấy lo lắng bởi phải lo nhiều khoản chi phí đầu năm học: Nào đồng phục, nào sách gíao khoa, nào quỹ lớp… Đặc biệt, năm nay tôi nghe nói giá sách giáo khoa đắt gấp mấy lần bộ sách cũ”.
Nhiều cha mẹ lo lắng những khoản thu đầu năm
Chị Trần Hương Thu ở quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi thấy lo nhất ở bộ sách giáo khoa mới, người thì nói bộ sách giáo khoa mở, học sinh không cần mua kèm theo sách bài tập. Tuy nhiên nhiều người lại cho rằng, chính vì là bộ sách kiến thức mở nên tuỳ theo từng trường mà quyết định sách bài tập kèm theo có cần phải mua hay không. Vì thế rất khó để nói là sách bài tập đó là cần hay không cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh như vừa qua, người dân chưa kịp hồi phục kinh tế thì giá cả lại leo thang. Thêm vào đó là các khoản đóng đầu năm và giá sách giáo khoa lại đội lên gấp đôi, gấp ba so với trước thì quả thật là mệt mỏi”.
Trước kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng không ít trường mọi năm vẫn tuyển sinh và bán kèm theo các dụng cụ học tập như: vở đồng phục, dụng cụ học tập… thậm chí, lớp tốt thường học kèm theo chương trình ngoại ngữ kết hợp với trung tâm bên ngoài. Dù phụ huynh không muốn nhưng vì lớp có cô giáo tốt, có thương hiệu nên đành “cắn răng” đồng ý cho con học dù chương trình ngoại ngữ đó không mang lại hiệu quả như nhiều người mong muốn.
Nhà trường cũng vất vả
Năm học mới này, Hà Nội vẫn tổ chức tuyển sinh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Với hình thức trực tiếp, phụ huynh sẽ nộp hồ sơ cho con từ ngày 13/7 đến hết ngày 18/7.
Năm nay, không chỉ phụ huynh lo lắng, nhiều trường ngay sau khi Cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội được mở để phụ huynh đăng ký thử, nhà trường cũng đang vất vả để chỉnh sửa các thông tin sai lệch của học sinh. Bởi có không ít học sinh di chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú, sai thông tin… đăng ký trước đó.
Đa số phụ huynh đều cho rằng, nhà trường nên công khai những cuốn sách không cần thiết trong danh mục sách giáo khoa
Một giáo viên quận Hà Đông cho biết: “Cuối năm học vừa qua, nhà trường tiếp nhận thông tin tuyển sinh xong rồi nhưng đến khi tuyển sinh lại có rất nhiều học sinh phải chỉnh sửa thông tin, trong đó nhiều em di chuyển chỗ ở. Điều này khiến giáo viên vô cùng vất vả. Phải chỉnh sửa hoàn thiện trên hệ thống để ngày tuyển sinh trực tuyến đảm bảo cho cá em được nhập học thuận lợi”.
Cho đến thời điểm này, đa số các trường đã sẵn sàng cho công tác tuyển sinh trực tuyến. Trước thắc mắc của phụ huynh về sách giáo khoa, nhiều trường cho biết sẽ thực hiện theo định hướng của lãnh đạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các trường nên định hướng cho phụ huynh những dụng cụ học tập nào là cần thiết buộc phải mua, còn những vật dụng nào hay quyển sách nào không cần thiết cũng nên phổ biến công khai để cho cha mẹ đỡ phải tốn khoản tiền mua.
Cuối năm học vừa qua, không ít trường khi bán sách giáo khoa đã đưa ra cả 1 danh sách đến mấy chục cuốn khiến giá sách giáo khoa đội lên gần 1 triệu đồng/1 bộ. Không mua thì lo con không có sách học nhưng mua thì lại quá sức mà không biết sách bổ trợ có thực sự cần thiết?.
Đình Trung - TTTĐ