Uống rượu bia gây tai nạn chết người sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn

25/04/2019 15:07

Kinhte&Xahoi Tại hội nghị sơ kết đảm bảo an toàn giao thông quý 1/2019 diễn ra ngày 24/4, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng thêm hình phạt với lái xe sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, kích thích.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, theo đó với lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn sẽ tước vĩnh viễn bằng lái xe. Ngoài ra, sẽ xem xét quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải nếu bố trí lái xe sử dụng ma túy.

Tài xế xe container gây tai nạn giao thông tại ngã tư Bình Nhựt, H.Bến Lức, Long An vào chiều 2/1 có sử dụng rượu bia.

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cũng đề nghị tăng mức phạt tiền, xử lý hình sự, tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người; tước bằng lái xe 3 - 5 năm với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông, buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe...

Khó và phức tạp?

Theo trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do lái xe uống rượu, sử dụng ma túy. Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng câu chuyện đặt ra là phải siết chặt từ khâu đào tạo lái xe và quản lý người lái.

Ông Dũng cho biết, Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch chuyên đề rượu bia, ma túy, vi phạm tốc độ, dừng đỗ... thực hiện xuyên suốt trong năm 2019. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và lái xe sử dụng ma túy khó và phức tạp. Lý do, hiện cán bộ công nhân viên, người lao động đều uống rượu bia rất nhiều và nhiều người vẫn lái xe sau khi uống. Vì vậy, đầu tiên phải vận động, xử lý vi phạm là khâu sau cùng. “Nhiều ý kiến cho rằng cứ tổ chức chặn ngay trước quán bia để xử lý người từ quán ra mà lái xe đó, cũng là một biện pháp nhưng chưa hay lắm, rất phản cảm”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Cục CSGT đề nghị xem xét chế tài xử lý với các đối tượng vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, đặc biệt các đối tượng sử dụng rượu bia, ma túy, các đối tượng quá khích dừng đỗ xe xong bỏ đi, gây cản trở giao thông. Ở các nước, với các đối tượng cản trở giao thông có thể bị còng tay, tạm giữ, nhưng ở VN lại có thể gây ý kiến.

Với quy định hiện nay, có thể xử lý ngay

Trước kiến nghị này, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình, yêu cầu rà soát lại hành lang pháp lý để bổ sung. Song theo Phó thủ tướng, với quy định của pháp luật hiện nay có thể xử lý ngay, nếu cản trở giao thông có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, gây rối trật tự giao thông có thể tạm giữ hành chính.
Cũng theo Phó thủ tướng, TNGT trong quý 1/2019 giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, người bị thương. Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như xe container tông vào người dừng đèn đỏ ở Long An, xe tải tông vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Hải Dương, cả 2 vụ lái xe đều dương tính với ma túy.

Theo Phó thủ tướng, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy đang rất đáng lo ngại. Trong khi việc kiểm tra, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào tuần tra, kiểm soát của CSGT hoặc các đợt khám sức khỏe tập trung. Tỷ lệ phát hiện còn thấp so với thực tế, vai trò của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế.

“Phải xử lý nghiêm các cá nhân này, sửa luật theo hướng phạt nặng kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe đối với các phương tiện sở hữu chính chủ. Nếu phương tiện thuộc trách nhiệm của các nhà xe thì cần tính toán, bổ sung hành lang pháp lý theo hướng xử phạt nhà xe không đủ điều kiện sức khỏe điều khiển phương tiện. Không lý gì chủ xe không biết lái xe nghiện ma túy, trước khi xuất bến phải kiểm tra lái xe có bia rượu hay không”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Đề nghị xem xét trách nhiệm chủ quán rượu để tài xế uống bia, rượu

Liên quan vụ tài xế ô tô tông chết nữ công nhân vệ sinh tại Hà Nội mới đây, trả lời báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết tài xế này có nồng độ cồn rất cao, 1,041 mg/lít khí thở. “Lái xe gây tai nạn chết người chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự, với các vụ tai nạn thương tật trên 61% cũng đều bị xem xét trách nhiệm hình sự. Với các chế tài hiện nay làm nghiêm cũng đủ khả năng ngăn chặn.

Nghị định 46 đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn cao, trên 1 mg/lít khí thở sẽ bị xử lý hình sự”, ông Hùng nói. Ông Hùng cho biết có thể sẽ kiến nghị chủ quán bia rượu nếu biết khách lái xe về mà để khách sử dụng bia rượu nhiều cũng liên đới trách nhiệm.

Theo Thanh niên/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…