Ủy ban ATGT Quốc gia ra văn bản "nóng" sau vụ học sinh trường Gateway tử vong trên xe

07/08/2019 18:34

Kinhte&Xahoi Các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Liên quan vụ cháu bé 6 tuổi học Trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe ôtô, ngày 6/8, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa ra văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ôtô đưa đón học sinh.

Văn bản này nêu rõ: ngày 6/8 cháu Lê Hoàng L. học sinh lớp 1t, Trường Gateway, (Cầu Giấy, Hà Nội) đã qua đời do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe ô tô đưa đón từ nhà đến trường. Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội đặc biệt trong thời gian chuẩn bị bước vào năm học mới 2019.

Hiện tại các cơ quan chức năng của Quận Cầu Giấy đang thực hiện việc kiểm tra, xác minh nguyên nhân và xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định pháp luật.

Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học bằng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do nhà trường tổ chức, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị.

Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật.

Đồng thời phải ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
 
Bên cạnh đó cần chỉ đạo lực lượng chức năng ngành giáo dục phối hợp với lực lượng chức năng ngành giao thông vận tải và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Về Bộ Giao thông vận tải cần rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông và sức khoẻ cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vân tải; nghiên cứu, bổ sung các  quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.

Đối với UBND tỉnh, thành phố  trực thuộc trung ương cần có chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; yêu cầu các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái.

Đồng thời phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus