Văn Hậu và bộ óc thiên tài của thầy Park

11/12/2019 11:52

Kinhte&Xahoi HLV Park Hang Seo ghi dấu ấn chiến thuật đậm nét trong trận chung kết SEA Games 30 khi giúp U22 Việt Nam đè bẹp U22 Indonesia với tỉ số 3-0.

Đến Việt Nam từ cuối năm 2017, HLV Park Hang Seo đưa giới mộ điệu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hơn hai năm trôi qua, bóng đá Việt Nam vẫn gặt hái cùng chiến lược gia người Hàn Quốc.

Sau mỗi chiến thắng, người ta lại càng có cảm giác “đương nhiên phải vậy”. Không chỉ vì cầu thủ Việt Nam quá xuất sắc, mà còn vì thầy Park quá tài!

Chiến thuật sở trường của ông là phòng ngự chặt, phản công nhanh với sơ đồ 3-4-3 dựa nhiều vào sức mạnh ở hai cánh. Chiến thuật này giúp tuyển Việt Nam không còn choáng ngợp trước các đối thủ mạnh ở tầm châu lục, từ cấp độ U23 cho đến tuyển quốc gia.

 
Cái hay của HLV Park Hang Seo nằm ở chỗ ông tạo ra sự cân bằng cần thiết cho đội bóng. Nếu gặp đội mạnh hơn, tuyển Việt Nam chơi phòng ngự cực kỳ khó chịu, nhưng chúng ta cũng có thể chơi tấn công áp đảo khi gặp đối thủ yếu hơn với cùng một hệ thống.

Đây là điều mà rất nhiều HLV nổi tiếng trên thế giới không làm được. Ví dụ rõ nét nhất ở ngay thời điểm này là Ole Solskjaer của Man Utd. Quỷ đỏ của HLV người Na Uy chơi cực hay và thường xuyên có kết quả tốt trong các trận đấu lớn, và… ngược lại, họ rất hay mất điểm trước các đối thủ yếu hơn vì không có đủ bài vở tấn công.

Đã có thời điểm người ta lo ngại HLV Park Hang Seo hết bài, bởi lẽ ông thực sự cũng không có bài vở nào mới mẻ trong suốt hai năm. Tuy nhiên, đẳng cấp của HLV người Hàn Quốc là giúp đội bóng thực hiện những mảng miếng đơn giản một cách nhuần nhuyễn nhất.

 
Trong đó, đáng kể nhất tất nhiên là các pha phối hợp trong các tình huống cố định. Ngay trong trận chung kết với U22 Indonesia, U22 Việt Nam đã có hai bàn thắng quan trọng (một khai thông bế tắc - một kết liễu đối thủ) bắt nguồn từ các quả đá phạt ở hai biên.

Đến thời điểm này, các đối thủ của U22 Việt Nam hay tuyển Việt Nam có lẽ chẳng lạ gì chiến thuật của HLV Park Hang Seo, nhưng họ lại không cách nào hóa giải. Tất nhiên, chỉ việc tập trung vào các miếng đánh sở trường là không đủ giúp HLV người Hàn Quốc trở nên “bá đạo” đến vậy, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. 

Một điểm hay khác cho thấy bộ óc thiên tài của thầy Park là khả năng sắp xếp, điều chỉnh nhân sự hợp lý. Có thể nói ông là “thần cơ diệu toán”, tính đâu đúng đấy
 
SEA Games 30 với lịch thi đấu dày đặc là nơi tuyệt vời cho HLV Park Hang Seo chứng minh điều này, và ông thực sự đã làm được. Ngoài việc trọng dụng Đức Chinh, HLV người Hàn Quốc còn liên tục có các sự điều chỉnh mang lại hiệu quả cao.


Ở trận đấu với U22 Thái Lan ở vòng bảng, HLV Park Hang Seo tung Đức Chinh vào thay Tấn Tài ngay ở phút 18, thời điểm U22 Việt Nam vừa rút ngắn tỉ số xuống 1-2 và về lý không cần tăng cường hàng công quá vội. Sự thay đổi này cho thấy HLV Park Hang Seo không chỉ đọc trận đấu tốt mà còn là người dám nhận sai, sửa sai và cực kỳ quyết đoán.

Việc sử dụng Tấn Tài ở cánh phải, đẩy Trọng Hoàng lên hàng công khiến U22 Việt Nam lúng túng trước người Thái và thủng liền 2 quả trong 12 phút đầu tiên. Chỉ bằng một sự thay đổi, thầy Park đã đưa mọi chuyện trở lại tầm kiểm soát.

Đến trận bán kết với U22 Campuchia, HLV Park Hang Seo lại gây bất ngờ khi xếp Đức Chinh và Tiến Linh cùng ra sân ngay từ đầu. Không những vậy, ông còn đẩy Đức Chinh ra cánh. Cầu thủ của Đà Nẵng thường bị chỉ trích vụng về, chuyền kém bỗng lột xác. Ngoài các pha càn lướt quen thuộc, anh còn nhiều đường tạt nguy hiểm, trong đó có pha kiến tạo cho Tiến Linh mở tỉ số.

Nhưng tất cả vẫn chưa hay bằng cách HLV Park Hang Seo sử dụng Văn Hậu, đặc biệt ở trận chung kết. Ít ai ngờ thầy Park sẽ hy sinh khả năng tấn công vượt trội của Văn Hậu để kéo anh vào đá trung vệ suốt cả giải. Và càng ít người ngờ ông cho phép trung vệ này dâng cao trước U22 Indonesia. Để thấy rõ điều này, bạn cần phải tự hỏi tại sao Hồ Tấn Tài lại được đá chính ở chung kết thay vì Thanh Thịnh.

Trong khi Thanh Thịnh là hậu vệ cánh đơn thuần, thì Tấn Tài lại là mẫu cầu thủ đa năng có thể đá mọi vị trí ở hàng thủ. Tấn Tài tấn công không quá hay, nhưng phòng ngự rất chắc. Khi Văn Hậu lao lên phía trước, số 4 luôn ở trạng thái sẵn sàng bọc lót.

Nhờ vậy, ngôi sao đang chơi bóng ở Hà Lan phát huy hết sức mạnh. Ngoài các tình huống đeo bám quyết liệt (ví dụ như pha phạm lỗi khiến Evan Dimas phải rời sân), Văn Hậu còn nhiều lần băng lên giữa sân để châm ngòi cho đợt tấn công của U22 Việt Nam.

Tất cả những điều đó cho thấy HLV Park Hang Seo quả thực không đơn giản một chút nào. Và ngay cả khi ai cũng đọc được đội hình hay sơ đồ chiến thuật của ông, các đối thủ vẫn như đi giữa sương mù khi đối đầu với tuyển Việt Nam.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/van-hau-va-bo-oc-thien-tai-cua-thay-park-d112911.html