Vì sao nhiều cơ sở ô nhiễm tại Hà Nội chưa chịu di dời?

12/09/2019 10:17

Kinhte&Xahoi Có hơn 100 nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc diện phải di dời ra khỏi nội thành Hà Nội, nhưng theo báo cáo của cơ quan chức năng đến thời điểm hiện tại việc di dời gặp nhiều khó khăn.

Vụ hỏa hoạn Công ty Rạng Đông đã gây ra sự cố môi trường

Vẫn còn 58 cơ sở gây ô nhiễm trong nội thành

Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình có 2 cơ sở; quận Cầu Giấy có 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở; quận Long Biên 17 cơ sở.

UBND Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường cho thấy có 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Số liệu báo cáo của UBND Hà Nội gửi Bộ Xây dựng vào tháng 6/2019 cho biết, hiện có 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha; 27 cơ sở đã được chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.

Báo cáo của Hà Nội cũng cho biết, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, 12 quận chuẩn hóa danh mục, số lượng các cơ sở đề xuất di dời. Đáng chú ý, Công ty CP xây lắp và cơ khí cầu đường (phường Văn Chương, quận Đống Đa) được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp với quy hoạch. Nhà máy Bia Việt Pháp (Công ty TNHH Hòa Bình, phường Đội Cấn, quận Ba Đình), Công ty vòi sen Viglacera  (Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), Công ty CP bao bì và má phanh Viglacera (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) được xếp vào nhóm gây ô nhiễm, phải tiếp tục theo dõi đánh giá mức độ ô nhiễm. 

Khó buộc doanh nghiệp di dời?

Theo tìm hiểu, để thực hiện cam kết với Chính phủ, Hà Nội đã phân các cơ sở trên thành hai loại làm căn cứ đề xuất hình thức bắt buộc phải di dời ngay gồm: Các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các cơ sở không phù hợp quy hoạch.

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch sẽ được cơ quan chức năng Hà Nội phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.

Dù lộ trình cam kết với Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 phải giải quyết dứt điểm nhưng đến thời điểm hiện tại (quý III/2019) trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời. Báo cáo chính thức tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Hà Nội cho thấy cũng mới chỉ giảm được 4 cơ sở.  

Báo cáo gửi các cơ quan Trung ương, UBND Hà Nội cho rằng công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm còn chậm, manh mún do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố. “Các cơ sở đã thực hiện di dời chủ yếu do doanh nghiệp chủ động thực hiện”, báo cáo nêu. 

Để việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm có kết quả, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cần ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch hoặc tự nguyện di dời; ban hành chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra khỏi khu vực nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội.    

 Khẩn trương di dời Nhà máy của Công ty Rạng Đông

Ngày 10/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho Công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ các chất thải; tổ chức tẩy độc và khẩn trương di dời nhà máy. Trong chỉ đạo mới nhất, Chủ tịch UBND TP giao Công an TP sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra, khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho Công ty này để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại theo đúng quy trình, quy định hiện hành; sau đó, tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus