Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và câu chuyện pháp lý

14/09/2023 12:16

Kinhte&Xahoi Sau khi sự việc cháy chung cư mini xảy ra, người dân đang quan tâm về trách nhiệm pháp lý của những người liên quan.

Vụ cháy chung cư mini vừa xảy ra ở Thanh Xuân, Hà Nội khiến nhiều người thương vong là tiếng chuông cảnh tỉnh trong công tác phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư.

Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ chung cư mini này. Sau khi sự việc đau lòng này xảy ra, người dân đang quan tâm về trách nhiệm pháp lý của những người liên quan.

Vụ cháy được xác định là thiệt hại tính mạng của ít nhất 57 người.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Ts. Ls. Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, nếu nguyên nhân xảy ra do hệ thống PCCC của chung cư không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì trách nhiệm chính sẽ thuộc về chủ đầu tư chung cư đó.

Với hậu quả vụ cháy được xác định là thiệt hại tính mạng của 57 người trở lên, nhiều người bị thương tích nghiêm trọng đang phải cấp cứu và thiệt hại đặc biệt lớn đối với nhiều tài sản của các hộ dân, chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là phạt tù từ 7 năm đến 12 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 313 bộ luật hình sự.

"3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.".

Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội trong vụ án này còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân thiệt hại bao gồm: chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ sở đối với những người bị thương tích.

Đối với những nạn nhân đã tử vong thì phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền tổn thất tinh thần cho thân nhân của nạn nhân và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các nạn nhân thì người phạm tội trong vụ án này cũng có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản trên cơ sở giá trị tài sản đã bị thiệt hại trên thực tế đối với những người bị hại.

Vào đêm 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini - số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, có diện tích khoảng 200m2, với khoảng 150 người dân sinh sống.

Theo thống kê sơ bộ, trên 70 người cư trú tại đây đã được cứu nạn thành công, đưa đi cấp cứu 54 người. Số người bị thương đang được cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn TP: Đại học Y Hà Nội; Bạch Mai, Đa khoa Hà Đông, Quân y 103...

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, lãnh đạo thành phố, lực lượng Công an thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và chỉ đạo, thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã trực tiếp tới thị sát hiện trường vụ cháy và trực tiếp tới Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra công tác cứu chữa những người gặp nạn trong vụ cháy này.

Diệu Nhi - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/vu-chay-chung-cu-mini-tai-ha-noi-va-cau-chuyen-phap-ly-d198551.html