Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Tổ chức đánh giá đúng tình trạng, nỗ lực xử lý môi trường

05/09/2019 17:18

Kinhte&Xahoi Sau khi xảy ra vụ cháy nổ tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp, triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân.

Lực lượng chữa cháy phun nước làm mát khu vực nhà xưởng bị cháy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Môi trường đất không vượt ngưỡng có thể gây hại 

Sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội ngày 28/8, khiến người dân lo ngại về nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường.

Thủy ngân là kim loại khi bay hơi không mùi, không màu, không vị nên khó phát hiện. Thủy ngân hơi, các hợp chất và muối của thủy ngân rất độc, gây các tổn thương não, gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Vào thời điểm cháy, hướng gió chủ đạo ở khu vực là hướng Bắc và Đông Bắc, nên các chất ô nhiễm sẽ phát tán theo hướng Nam và Tây Nam. Ước tính phạm vi phát tán tối đa khoảng 1,5 km.

Chiều 29/8 và các ngày tiếp theo đều có mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, nên theo đánh giá của các nhà khoa học, các trận mưa này đã làm lắng đọng thuỷ ngân tồn dư trong không khí vào môi trường đất, nước. Vì vậy, môi trường không khí tại khu vực bị ảnh hưởng được cho là không còn ô nhiễm. Nhưng trong những ngày nắng nóng trở lại gần đây, lượng thủy ngân nếu còn lắng đọng tại các hố ga, tường rào hay tàn dư sau cháy sẽ tiếp tục bay hơi, phát tán ra môi trường xung quanh.

Việc dùng nước cứu hoả để dập lửa trong đám cháy làm rửa trôi thuỷ ngân xuống các rãnh và mương thoát nước tại nhà xưởng và khu vực xung quanh. Ngoài ra sau trận mưa, thuỷ ngân trong không khí được lắng đọng xuống mặt đất và các thuỷ vực, có thể ảnh hưởng đến môi trường nước bao gồm sông Tô Lịch, hồ Hạ Đình và các thuỷ vực khác. Nhà máy nước Hạ Đình và các bể chứa nước, giếng nước hở của các hộ dân cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thuỷ ngân kim loại và các hợp chất thuỷ ngân có thể tồn dư tại các rãnh mương nước, trầm tích đáy sông, gây ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và hệ sinh thái, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ cộng đồng nếu lượng tồn dư đủ lớn và đi theo chuỗi thức ăn xâm nhập vào cơ thể con người.

Thông tin cập nhật đến ngày 4/9 từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết : Theo số liệu báo cáo của Công ty Rạng Đông, khối lượng thủy ngân bị phát tán ra ngoài môi trường do cháy sản phẩm bóng đèn huỳnh quang và compact khoảng 15,1kg. Tính toán của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì khối lượng thủy ngân bị phát tán ra ngoài môi trường khoảng 27,2 kg.

Lượng thủy ngân nguyên liệu bao gồm 109,8 kg thủy ngân lỏng; 41,75 kg thủy ngân trong viên Amalgam đang được lưu giữ tại Công ty Rạng Đông. Đoàn công tác ngày 31/8 của Tổng cục Môi trường ghi nhận kho nguyên liệu, vật tư hóa chất Amalgam chưa bị cháy nổ. Khối lượng viên amalgam vẫn được đựng trong chai thủy tinh, chứa trong 3 tủ cấp đông trong kho tầng 1 của khu vực nhà kho bị cháy và hiện khối lượng này đã được cơ quan cảnh sát niêm phong. Như vậy, lượng thủy ngân có thể đã phát tán ra ngoài môi trường từ 15,1 kg - 27,2 kg.

Từ ngày 30/8 - 1/9, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc trực thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh gồm môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất khu vực xung quanh. Theo đó, các vị trí lấy mẫu bao gồm: Môi trường không khí (theo các tuyến Hg có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất khu vực xung quanh tại điểm quan trắc.

Cụ thể như sau: 12 mẫu nước mặt tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của nhà máy ngõ 320 Khương Đình 1,5km; 8 mẫu nước thải tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty; 13 mẫu trầm tích, bùn đáy tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình; 6 mẫu không khí (trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty Rạng Đông).

Tổng hợp kết quả lấy mẫu quan trắc thủy ngân, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) thấy kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tương đối thống nhất.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, kết quả phân tích so với Quy chuẩn Việt Nam hiện hành cho thấy, nồng độ thủy ngân quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người theo khuyến cáo của Canada. Chỉ có 1/12 mẫu nước mặt, 1/8  mẫu nước thải có nồng độ Hg (thủy ngân) vượt quy chuẩn, 1/6 mẫu khí vượt quy chuẩn nhưng vẫn thấp hơn mức quy định tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có một số thông số kim loại nặng vượt quy chuẩn. Tuy nhiên, nguồn gốc các kim loại nặng có do công ty xả thải ra môi trường hay không thì cần tiếp tục được nghiên cứu, điều tra, đánh giá làm rõ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, có 100 người đã đến khám và đã lấy mẫu máu xét nghiệm của 91 người, trong đó đã có kết quả xét nghiệm của 82 mẫu máu và chưa phát hiện mẫu máu nào vượt quá 10 µg/l (ngưỡng phơi nhiễm thuỷ ngân của Mỹ). Nếu tham chiếu theo ngưỡng 5 µg/l (ngưỡng phơi nhiễm thuỷ ngân theo khuyến cáo của Hiệp hội y tế cộng đồng Nhật Bản) thì có 4 trường hợp vượt ngưỡng. Ngoài ra có 2 trường hợp kiểm tra ở cơ sở y tế khác và thông báo mẫu xét nghiệm máu có hàm lượng thuỷ ngân trên 50 µg/l.

Áp dụng các biện pháp khoanh vùng trong phạm vi bán kính 200-500m

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các bộ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động cô lập, thu gom chất thải tàn dư sau vụ cháy để xử lý, kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho cháy từ 200m đến 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kỳ. Căn cứ khuyến cáo, dựa trên kết quả quan trắc, phân tích mẫu môi trường và so sánh với khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một số nước châu Âu, Mỹ, Canada.

UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin chính thức cho người dân và cộng đồng về các nội dung liên quan đến sự cố cháy nổ; trường hợp cần thiết có thể phối hợp với các bộ, ngành, các nhà khoa học tổ chức tọa đàm trên Đài truyền hình Trung ương và Hà Nội.

Đối với vấn đề di dời địa điểm sản xuất, lưu kho của Công ty Rạng Đông, từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, đến nay, UBND thành phố Hà Nội vẫn đang tiếp tục triển khai kế hoạch di dời này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm di dời toàn bộ hoạt động của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông nói riêng và các nhà máy sản xuất có sử dụng hóa chất độc hại có nguy cơ cháy nổ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, từ sự cố cháy nổ gây mất an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường tại Công ty Rạng Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành tổng rà soát toàn bộ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cộng động và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để đưa ra các yêu cầu về thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại (nhiễm thuỷ ngân) phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn Công ty Rạng Đông lập phương án xử lý, cải tạo khu vực bị ô nhiễm tồn lưu thuỷ ngân nếu có; tiếp tục tổ chức quan trắc một số đợt để đánh giá khả năng phát tán bay hơi của thủy ngân trong môi trường không khí xung quanh khi trời nắng để giảm thiểu rủi ro môi trường và sức khoẻ cộng đồng đến khi toàn bộ khu vực cháy nổ được thu gom, dọn dẹp hoàn toàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus