“Xã hội hoá” cách ly, sao không?

22/03/2020 08:47

Kinhte&Xahoi Một báo cáo của UBND TPHCM vừa cho thấy, tính đến ngày 20/3, địa phương này đã triển khai cách ly tập trung gần 3.000 trường hợp để phòng ngừa sự lây lan của Covid-19.

Trong đó, tại các khu cách ly thành phố là 2.500, quận huyện là 500; cách ly tại nhà là 615. Hiện tất cả người đến từ các vùng nóng của dịch Covid-19 đều phải thực hiện cách ly y tế trong vòng 14 ngày. 

Có gần 30 khách sạn và resort đã đăng ký sử dụng làm nơi cách ly có thu phí. Từ chiều tối ngày 19/3, nhiều khách sạn, resort ở Cần Giờ đã nhận các trường hợp cách ly và ngay trong đêm, khoảng 3 xe chở các trường hợp cách ly về từ vùng dịch tiếp tục được chuyển về Cần Giờ.

Đến sáng 20/3, sau khi biết tin TPHCM triển khai cách ly có thu phí tại các resort, khách sạn tại Cần Giờ, nhiều thân nhân của các gia đình có con em đang cách ly tại các khu tập trung đã gọi điện xin được cách ly tại đây.

Đây là một thông tin rất đáng chú ý ở thời điểm này, khi mà số lượng người trong diện cách ly có thể sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng 18/3 cũng đã khẳng định: “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều ngày nay, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Cách ly tập trung là biện pháp cần thiết và vô cùng hữu hiệu để đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và nhờ đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ có thể kiểm soát được tình hình, chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 một cách kịp thời nhất, đảm bảo không người bệnh nào bị bỏ lại.

Từ bài học tại Sơn Lôi áp dụng với 4 vòng cách ly, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Cách ly là biện pháp đặc biệt quan trọng và hiệu quả”.

Nhà nước và các lực lượng đã làm hết sức có thể để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác cách ly, phòng, chống dịch.
 
Theo thông tin được Thứ trưởng Long cung cấp vào đầu tháng 3/2020, riêng hệ thống các cơ sở của quân đội đã có 60 điểm cách ly tập trung với dung lượng 60.000 người có thể thực hiện việc cách ly. Dù khả năng thu dung còn lớn hơn nhưng thực tế, mới có hơn 10.000 người đang được cách ly tại các cơ sở này.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, vẫn còn những băn khoăn, đắn đo nhất định trong tâm lý người cách ly và gia đình họ, lo ngại về điều kiện tại các khu cách ly tập trung. Có lẽ cũng bởi sự “chưa thông suốt” này trong tâm lý nên đã có một số người khai báo y tế không trung thực nhằm mục đích tránh cách ly, từ đó làm khó cho công tác kiểm soát, khoanh vùng người nghi nhiễm.

Chính bởi vậy, người viết cho rằng, việc huy động các khách sạn, resort tham gia phục vụ hoạt động cách ly có thu phí là một phương án phù hợp bên cạnh hoạt động cách ly tập trung “miễn phí”.

Điểm qua thông tin thấy rằng, trong ngày 20/3, Hà Nội có thêm gần 1.200 người Việt từ “tâm dịch Covid-19” trở về bằng đường hàng không. Trước đó, cũng đã có gần 7.000 người Việt trở về từ các “điểm nóng” Covid-19.

“Nghĩa đồng bào” khiến chúng ta không thể làm ngơ trước nỗi lo của người Việt ở nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh leo thang. Song, số lượng người về nước ngày càng đông cũng đồng nghĩa với việc diện cách ly tập trung ngày càng lớn, áp lực lên ngân sách Nhà nước không nhỏ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch cách ly đối với những người đến từ các vùng có dịch ở trong nước.

Việc “xã hội hoá” hoạt động cách ly theo nghĩa “có thu phí” sẽ là một giải pháp cần được nhân rộng, vừa giảm tải cho cơ quan chức năng, cũng vừa hỗ trợ cho các khách sạn, resort đang chồng chất khó khăn vì du lịch vắng khách.

Một phương án mà các bên đều có lợi - lợi cho Nhà nước, cho người tham gia cách ly và cho cả doanh nghiệp. Đó cũng là một cách “chung tay” chống dịch thiết thực!


 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi-hoa-cach-ly-sao-khong-d119920.html