Xây dựng nếp sống văn minh sau dịch Covid-19: Định hình tư duy mới

13/07/2020 16:00

Kinhte&Xahoi Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, song cũng là "phép thử" cho đời sống văn hóa, thái độ ứng xử của người dân trước vấn đề của thời cuộc. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài “Xây dựng nếp sống văn minh sau dịch Covid-19: Định hình tư duy mới", phản ánh những "chuyển động" từ đời sống đến cung cách ứng xử của người Hà Nội, khi trải qua những khó khăn do dịch bệnh, qua đó nhận diện những hạn chế cần loại bỏ, phát huy những giá trị tốt đẹp, góp phần lan tỏa lối sống văn hóa trong mỗi người.

Bài 1: "Phép thử" của tinh thần cộng đồng 

 Dịch Covid-19 bùng phát, cùng với cả nước, Hà Nội bước vào "thời chiến" với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Ở những thời điểm gian nan, thử thách nhất; những nơi đối diện với nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất, tinh thần tương thân, tương ái, ý thức vì cộng đồng được soi tỏ bằng những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ. Với góc nhìn này, dịch Covid-19 trở thành "phép thử", chất xúc tác, khơi dậy những nét đẹp văn hóa, vốn dễ bị khuất lấp trong nhịp sống thường ngày.

Phiên chợ Nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức tại quận Bắc Từ Liêm nhằm san sẻ khó khăn cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Bá Hoạt

Tình nhân ái - nghĩa đồng bào

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Chương nhớ như in không khí chủ động, khẩn trương khi địa phương cùng cả nước bước vào giai đoạn "chống dịch như chống giặc". Đảm nhận vị trí tiếp nhận ủng hộ, chuyển giao hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, ông có cơ hội chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động đến từ những tấm lòng mong muốn cùng góp sức chống dịch. "Có cán bộ tiền khởi nghĩa như ông Đào Trọng Diệp và đảng viên 75 tuổi Đảng như ông Phạm Trọng Thức ở xã Tả Thanh Oai, đã ủng hộ cả trăm cân gạo...; rồi cụ bà 83 tuổi Nguyễn Thị Thơm ở xã Liên Ninh, hiến tặng cả chục triệu đồng dành dụm được. Còn có những em nhỏ "mổ lợn" tiết kiệm, nhờ bố mẹ dẫn đến các điểm tiếp nhận ủng hộ trên địa bàn để gửi gắm tâm nguyện chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những việc làm ý nghĩa như thế, không do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định, mà chỉ có thể xuất phát từ trái tim, cảm nhận của mỗi người", ông Nguyễn Huy Chương nói.   

Tinh thần ấy dễ dàng bắt gặp ở khắp mọi nơi trên địa bàn Hà Nội trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Không ai bảo ai, mỗi người dường như đều tự thôi thúc bản thân làm điều gì đó có ích cho tập thể, cộng đồng. Vì thế, trong những ngày gồng mình chống dịch, Hà Nội đã xuất hiện hàng nghìn câu chuyện nhỏ bé, giản dị mà lay động lòng người. Những xưởng may phát khẩu trang miễn phí, rồi những cây ATM gạo, siêu thị không đồng, chợ nhân đạo, điểm cấp phát lương thực... mọc lên khắp từ thành thị đến nông thôn, san sẻ khó khăn cho hàng triệu lượt người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giám đốc Nhà Xuất bản sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng - người làm cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội cho biết, ông đọc báo, thấy mô hình cây ATM gạo cho người nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh, nên quyết định đặt ATM gạo ở Hà Nội và nhanh chóng nhận được sự động viên, ủng hộ của bạn bè.

"Tôi ủng hộ 10 tấn gạo, có bạn chở đến 1 tấn, một bạn khác ủng hộ 3 tấn..., góp phần hình thành cây ATM gạo đầu tiên. Sau đó, có thêm người gửi tiền, người gửi gạo, lại có cả khẩu trang và dung dịch sát khuẩn... để ủng hộ mô hình phát triển. Chứng kiến tinh thần nhân ái trong dịch bệnh, tôi thật sự xúc động", ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Nhìn nhận lại về tình người trong những ngày Thủ đô căng mình chống dịch, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt khẳng định, nguồn lực trợ giúp từ cộng đồng góp phần cùng chính quyền các cấp tiếp thêm sức mạnh cho người nghèo, tiếp thêm sức sống cho người bệnh. Tại quận Hai Bà Trưng, đối tượng khó khăn nhất là những người dân trong "xóm chạy thận" ở phường Đồng Tâm đã được hỗ trợ kịp thời để ổn định cuộc sống, yên tâm điều trị bệnh.

Bà Nguyễn Thị Sinh (xã Yên Bài, huyện Ba Vì), người có 12 năm định cư ở "xóm chạy thận" bộc bạch: “Dịch Covid-19 khiến nỗi lo "cơm áo gạo tiền" của gia đình tôi thêm chồng chất. Rất may, gia đình tôi đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Những món quà ấm áp tình người, những lời động viên, khích lệ đã giúp tôi có thêm niềm tin, hy vọng tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”.

Đại diện cư dân Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ) trao những suất cơm cho đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái

Điểm tựa cho tinh thần dân tộc

Nói về hiện tượng nở rộ những việc làm, hành động thiết thực, ý nghĩa trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, đây chính là biểu hiện của tinh thần tương thân, tương ái, một trong những nét văn hóa đặc trưng, điểm tựa của tinh thần dân tộc. Càng nhiều khó khăn, thách thức, tinh thần ấy càng được soi tỏ. Hà Nội với bề dày hơn nghìn năm lịch sử cùng đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa, những giá trị ấy càng có điều kiện để hiện hữu sâu đậm, mạnh mẽ hơn. 

Nhìn lại thời điểm Thủ đô đối diện với nhiều gian nan nhất, những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất, càng thấy rõ hơn cơ sở của những nhận định này. Tháng 3-2020, Hà Nội thực hiện nhiệm vụ kép là tổ chức các khu cách ly tập trung đón kiều bào từ vùng dịch nước ngoài trở về, đồng thời tiến hành khoanh vùng, cách ly ổ dịch đầu tiên trong cộng đồng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, các ổ dịch mới liên tục xuất hiện trên địa bàn, đặt thêm áp lực đối với thành phố...

Cùng thời điểm đó, xuất hiện những việc làm đầy ý nghĩa như câu chuyện hàng nghìn sinh viên "trắng đêm" dọn phòng, nhường ký túc xá cho công dân Việt Nam về nước cách ly; hàng trăm, hàng nghìn y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên y khoa... xung phong hợp sức ngăn dịch tại các sân bay, bến xe, ga tàu...; những cộng đồng chung cư quyên góp tiền nấu hàng trăm suất ăn mỗi ngày gửi đến các y, bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu; những người ở nông thôn sẵn sàng cấy lúa, chăm sóc hoa màu giúp hàng xóm yên tâm thực hiện cách ly… Mỗi hành động đều chất chứa thông điệp về phẩm chất dân tộc, những biểu hiện của tinh thần hào sảng, trách nhiệm của người Hà Nội.

Chia sẻ về quyết định xung phong tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Minh Vụ, nguyên cán bộ Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Dành cả đời cho công tác y tế, tôi xác định rõ trách nhiệm cũng như luôn mong muốn được góp sức chống dịch khi thành phố cần". Chỉ riêng quận Bắc Từ Liêm, đã có gần 300 y, bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch như ông Vụ.

Đặc biệt, từ khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn khó khăn, hàng trăm nghìn y, bác sĩ tại các bệnh viện phải gồng mình lên để làm việc. Rất nhiều hình ảnh chia sẻ tư thế mệt mỏi trong giấc ngủ vội; sự tận tâm, không quản ngại gian khổ của đội ngũ y, bác sĩ để phục vụ nhân dân... Họ chấp nhận xa gia đình trong một thời gian dài để tập trung chăm sóc người bệnh. 

Là một trong những người "biệt phái" ở tâm dịch Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), bác sĩ Vũ Biển, Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) cho biết: "Dù khó khăn, vất vả và luôn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, chúng tôi vẫn động viên nhau phải thật kiên cường, cùng góp sức khống chế dịch bệnh". Có thể thấy, sự hy sinh cống hiến của họ đã vượt lên trên hai chữ “trách nhiệm", trở thành sự tình nguyện cao cả vì sức khỏe cộng đồng.

Không thể thống kê hết những cử chỉ, hành động, việc làm cao đẹp trong mùa dịch, điều này khẳng định, lòng nhân ái và tinh thần vì cộng đồng của người Hà Nội vẫn hiện hữu như những mạch ngầm, chờ cơ hội là bung tỏa, lấp lánh...

(Còn nữa)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/972589/xay-dung-nep-song-van-minh-sau-dich-covid-19-dinh-hinh-tu-duy-moi