Xử lý dứt điểm dự án chậm triển khai ở Hà Nội: Nhiệm vụ quan trọng

29/03/2021 10:00

Kinhte&Xahoi Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố từ năm 2018, Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng của thành phố đã tích cực xử lý vi phạm, nhưng qua tái giám sát của HĐND thành phố vừa qua và số liệu của cơ quan chức năng cho thấy vẫn còn nhiều dự án "treo". Hiện các ngành chức năng, địa phương của thành phố đang tiếp tục kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý dứt điểm từng dự án và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Dự án khu nhà ở Minh Đức trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) là một trong những dự án chậm triển khai của thành phố Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng

Còn nhiều dự án chậm tiến độ

Từ nhiều năm nay, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) là một trong những địa phương còn tồn tại nhiều dự án "treo", gây lãng phí đất đai. Theo thống kê, trên địa bàn xã Tiến Xuân hiện có 21 dự án với tổng diện tích hơn 1.100ha chậm triển khai từ năm 2008 đến nay. Điển hình như: Dự án Tổ hợp thương mại và dịch vụ đô thị cao cấp Vitaco (Sunny City), Khu biệt thự nhà vườn nghỉ dưỡng sinh thái Việt Nam, Khu đô thị Tiến Xuân... Bà Nguyễn Thị Kim ở thôn 6, xã Tiến Xuân nói: "Gia đình tôi có 1 mẫu đất canh tác nằm trong vùng quy hoạch dự án Khu đô thị Tiến Xuân. Hơn 10 năm nay, sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở xã gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch của dự án".

Trao đổi về thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cho biết thêm: Các dự án chậm triển khai trên địa bàn xã đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân không thể thực hiện các quyền lợi liên quan đến đất đai như cho tặng, thừa kế hay thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển kinh tế.

Tương tự, quận Cầu Giấy có 8 dự án chậm triển khai đề nghị được gia hạn 24 tháng, tính từ tháng 5-2019, như: Trung tâm Dịch vụ thể thao và võ thuật Hà Nội; Khách sạn và gara cao tầng kết hợp trạm xăng; Khu văn phòng dịch vụ dạy nghề… Còn tại huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn thông tin, qua kiểm tra, rà soát, huyện còn 60 dự án vốn ngoài ngân sách (trong đó có 47 dự án đô thị) được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 2.140ha chậm triển khai nhiều năm.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện còn 379 dự án chậm tiến độ, tập trung ở các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Cầu Giấy, Hoàng Mai... Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như chờ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; chưa được chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoặc triển khai dở dang... Đáng nói, có những dự án chính quyền sở tại không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoặc chủ đầu tư chây ỳ, kéo dài thời gian thực hiện.

Kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý dứt điểm

Đường giao thông nội đồng xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) không được đầu tư xây dựng do vướng quy hoạch dự án trên địa bàn.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn kiến nghị: "Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không có năng lực, thành phố cần thu hồi để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, các thủ tục liên quan đến giao đất, thu hồi giải phóng mặt bằng...".

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng đề xuất: Thành phố sớm phê duyệt quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc, quy hoạch phân khu để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đất nằm trong phạm vi, ranh giới thu hồi đất thực hiện các dự án. Từ thực tế tại địa phương, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho hay, quận tiếp tục giám sát các dự án chậm triển khai, nếu chủ đầu tư vẫn chây ỳ, sẽ báo cáo thành phố để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Hiện nay, HĐND thành phố Hà Nội đang tiến hành đợt tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai ở một số địa phương trên địa bàn thành phố. Trong quá trình giám sát, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường... tổ chức kiểm tra tiến độ đối với những dự án chậm triển khai và các dự án khác, rà soát về quyết định thu tiền sử dụng đất, thuê đất, nghĩa vụ tài chính, năng lực tài chính của chủ đầu tư, lập hồ sơ cụ thể, báo cáo UBND thành phố. Từ đó, thành phố có cơ sở chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc tiến độ dự án, hoặc có những biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết: Trên cơ sở rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố, Sở đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đưa 57 dự án với diện tích 49,3ha ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm do chủ đầu tư đã khắc phục; tiếp tục giám sát 39 dự án với diện tích 241,6ha đất; xác định và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 60 dự án... Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra hằng năm các dự án đầu tư có sử dụng đất, các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật thì triển khai các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý để kết luận chặt chẽ, đúng quy trình, quy định pháp luật đối với từng dự án. Các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý, nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

 Ánh Dương - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/994786/xu-ly-dut-diem-du-an-cham-trien-khai-o-ha-noi-nhiem-vu-quan-trong