Xuất khẩu gạo Việt Nam: Đột phá từ chất lượng

19/01/2021 08:01

Kinhte&Xahoi Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá trị xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, tương đương 3,07 tỷ USD. So với năm 2019, lượng gạo xuất khẩu giảm 3,5% nhưng giá trị lại tăng tới 9,3%. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thời điểm đã vượt qua gạo của Thái Lan và Ấn Độ vươn lên vị trí cao nhất.

Gạo Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế nhờ đột phá về chất lượng.

Giá trị xuất khẩu tăng mạnh

Trong năm 2020, gạo là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất, 13% so với cùng kỳ năm 2019 và giá bình quân lên đến 496 USD/tấn. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, đầu tháng 12-2020, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức từ 493 đến 497 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 120 USD/tấn.

“Giá gạo xuất khẩu năm 2020 được đánh giá là mức giá tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo, điều này chứng minh chất lượng gạo Việt Nam đã được nâng cao…”, ông Nguyễn Quốc Toản nhận định.

Mặt khác, phân khúc gạo chất lượng cao xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 32,5% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32,9%; gạo nếp chiếm 29,6%; gạo Japonica và gạo giống Nhật Bản chiếm 4,8%...

Về thành công của ngành lúa gạo nước nhà, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, sản xuất lúa gạo đã đi đúng hướng, tập trung nâng cao chất lượng, giảm số lượng; sản xuất căn cứ theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và tìm kiếm những thị trường tiềm năng... Đặc biệt, ngành lúa gạo đã thực hiện tái cơ cấu một cách bài bản, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Nếu như những năm về trước, cơ cấu sản xuất lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng cao đã lên đến 90%. Việc này đã đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2020.

Ghi nhận thành công của ngành lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong nước mưa bão liên tiếp, dịch nối dịch, hạn hán và xâm nhập mặn; trên thế giới dịch Covid-19 đã khiến nhiều thị trường đóng cửa, việc xuất khẩu hàng hóa trở lên khó khăn…, song ngành lúa gạo vẫn đạt được con số xuất khẩu ấn tượng với 3,07 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019 - là một điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Mở đầu năm 2021, lô hàng 1.600 tấn gạo thơm của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) vừa được phát lệnh xuất đi Singapore và Malaysia. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Trung An chia sẻ, đơn hàng không quá lớn nhưng là gạo thơm chất lượng cao với giá bán cao, đạt 680 USD/tấn đối với gạo Jasmine 85 và 750 USD/tấn đối với gạo Hương Lài.

Nhận định về thị trường lúa gạo năm 2021, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, tại thị trường nội địa, dự kiến tháng 1-2021 giá gạo tiếp tục giữ vững ở mức cao do nhu cầu mua đều, đặc biệt là nhu cầu từ kho gạo chợ làm hàng Tết. Đối với hoạt động xuất khẩu, thời điểm hiện tại chưa có nhiều hợp đồng giao dịch, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến như hiện nay thì nhu cầu lương thực, trong đó có gạo sẽ tăng lên.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, dư địa cho thị trường lúa gạo xuất khẩu trong thời gian tới là rất lớn. Đặc biệt là dư địa từ thị trường EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Để xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng bền vững, việc tiếp tục nâng cao chất lượng và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng vẫn là giải pháp hàng đầu. Hiệp định EVFTA đã mở rộng cửa cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vào thị trường EU, nhưng các quy định đối với gạo xuất khẩu vào thị trường này vô cùng khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các yêu cầu về giống, truy xuất nguồn gốc…

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có chứng nhận GlobalGap và phải thay đổi quy trình canh tác, trồng trọt so với trước đây, đồng thời, phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với sản xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo “Góp ý đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và đề xuất bổ sung, chỉnh sửa đề án tái cơ cấu lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Theo đó, ngành lúa gạo Việt Nam không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phải hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo trong giai đoạn mới; nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và lợi ích cho người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xác định nhóm giống chủ lực, chất lượng cao để sản xuất.

Mặt khác, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tham tán, đại sứ quán tại các nước để xây dựng thị trường xuất khẩu ổn định; hỗ trợ đối đa cho các doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo…

Từ những tiền đề đã đạt được, lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, khẳng định thế mạnh trên thị trường quốc tế.

Đỗ Minh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/988965/xuat-khau-gao-viet-nam%C2%A0dot-pha-tu-chat-luong