Ý nghĩa thật sự đằng sau phong tục lì xì ngày tết: Dùng tiền để đuổi yêu ma

12/02/2021 22:54

Kinhte&Xahoi Lì xì là phong tục truyền thống đậm đà phong vị Tết Việt. Không ai biết tục lệ này có từ bao giờ, và cho đến nay cũng không nhiều người biết lý do vì sao cần phải lì xì.

Bánh chưng xanh, bánh tét, dưa hấu đỏ và những xấp bao lì xì xinh xắn là những món làm lên phong vị tết truyền thống của người Việt. Không biết từ bao giờ, tục lệ lì xì (mừng tuổi) đầu năm du nhập vào Việt Nam, chỉ biết rằng nó gắn liền với niềm tin mãnh liệt của người xưa vào việc xua đuổi ma quỷ quấy phá đầu năm.

Bao lì xì ban đầu mang ý nghĩa để đuổi yêu ma quấy nhiễu trẻ em.

Truyền thuyết về nguồn gốc tục lì xì

Theo truyền thuyết, phong tục lì xì hay mừng tuổi vào Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Người ta kể rằng có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, nó thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc, khiến chúng giật mình khóc thét.

Vào ngày hôm sau, đứa trẻ xui xẻo gặp quỷ sẽ đau đầu, sốt cao không ngớt, khiến các bậc cha mẹ không dám chợp mắt.

Năm đó, có một gia đình ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tuy nhiên, 8 vị tiên đi dạo qua nhà lại biết trước rằng cậu bé sẽ gặp tai họa với yêu quái, họ liền biến thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên cậu bé.

Khi thấy con ngủ say, hai vợ chồng người nông dân lại lấy giấy đỏ gói bên ngoài những đồng tiền, sau đó đặt 8 đồng tiền dưới gối của con rồi mới đi ngủ.

Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, nó vừa định giơ tay xoa đầu đứa bé thì từ bên gối lóe lên những tia vàng sáng rực, khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.

Cặp vợ chồng thấy vậy liền vui vẻ đem câu chuyện kể lại cho mọi người nghe. Từ đó, người dân học theo vợ chồng nọ, đem tiền vàng bọc trong phong bao đỏ để cầu chúc sự an lành mỗi năm. Lâu dần, trong dân gian có thêm tục cho trẻ tiền được bỏ trong phong bì đỏ, gọi là lì xì.

Người ta tin rằng đặt bao lì xì có tiền dưới gối sẽ giúp xua đuổi ma quỷ tới làm phiền trẻ em.

Ý nghĩa phong tục lì xì

Tục lì xì xuất hiện ở nhiều nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Người ta không chỉ lì xì cho trẻ con vào dịp mồng 1 tết mà còn có thể mừng vào tận những ngày cuối cùng như mồng 9 hoặc mồng 10.

Theo tục lệ của người Việt, mỗi dịp đầu năm, con cháu sẽ nói lời chúc tốt đẹp cho người lớn trong gia đình như ông bà, cha mẹ… và được nhận phong bao lì xì.

Ngoài ra, lì xì cũng không chỉ gói gọn trong việc ông bà mừng tuổi con cháu, mà có thể ngược lại, con cháu mừng tuổi ông bà để chúc sức khỏe.

 Theo Tổ Quốc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/y-nghia-that-su-dang-sau-phong-tuc-li-xi-ngay-tet-dung-tien-de-duoi-yeu-ma-d148426.html