Hồ cạn, trơ trọi những khối bê tông khô khốc
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo nguy cơ thiếu nước vì hồ thủy điện Hòa Bình mực nước tích được vẫn thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm. Trong khi đó, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hồ chứa lớn quan trọng trên lưu vực sông Hồng đều ở mức thấp, dẫn tới nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho hạ du.
Ghi nhận của Lao Động chiều 11.12, hiện tại, đường đi xuống hồ thủy điện, nơi trước kia chìm sâu dưới mặt nước hàng chục mét, nay người ta có thể thoải mái đi lại trên những khối bê tông, khô khốc. Các bến thuyền du lịch lòng hồ vắng tanh.
Những con thuyền chở khách tham quan lòng hồ thủy điện, thời điểm này năm ngoái nhộn nhịp, thì nay "chung số phận" nằm chen chúc nhau, chúi mũi vào bờ. “Chưa năm nào mực nước hồ thủy điện xuống thấp như năm nay. Năm ngoái, nước sông Đà ở lòng hồ thủy điện vẫn xâm xấp bờ đá kè, nhưng năm nay nước xuống quá”, một chủ thuyền than thở.
Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình đang ở mức rất thấp. Ảnh: Cường Ngô
“Hồ thủy điện Hòa Bình là thủy điện cuối cùng trên hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Đà, nên lượng nước về trên lưu vực sông Đà cũng chính là lượng nước về hồ Hòa Bình.
Hồ đang đứng trước nguy cơ gần với mực nước chết (85m). Nước rút, khiến hồ hiện rõ từng nấc trắng xóa, in dấu ngấn nước rút xuống từng ngày", anh Hùng, một người dân sống gần hồ thủy điện Hòa Bình chia sẻ.
Nhận định của anh Nguyễn Đình Thủy - kỹ sư thủy văn Công ty Thủy điện Hòa Bình, hiện tại mực nước hồ chứa đang ở mức rất thấp 102,46 mét, thấp hơn 14,54 mét so với mực nước dâng bình thường (117 mét). Dung tích của hồ chứa thủy điện còn thiếu hụt so với dung tích tại mực nước dâng bình thường là 2,90 tỉ m3, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 2,10 tỉ m3.
Chỉ lên vạch trắng cao nhất của lối lên nhà điều hành, anh Nguyễn Đình Thủy cho biết: "Đó là mức nước cao nhất mà hồ từng chứa". Theo anh Thủy, từ điểm đó so với mực nước hiện tại cũng phải chênh nhau 15-20 mét.
"Nước cạn đến nỗi chúng tôi có thể đi bộ xuống được tận cửa nhận nước vào các tổ máy, trong khi một năm trước điều này là không thể. Suốt 30 năm làm việc tại thủy điện Hòa Bình, đây là lần đầu tiên tôi thấy nước hồ cạn như vậy", một nhân viên ở phân xưởng điện cho biết.
Hồ thủy điện đang thiếu 2,9 tỉ m3 nước, có thể phải cắt điện
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho hay, năm 2019, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước về trong mùa lũ trên lưu vực sông Đà hết sức bất lợi chỉ đạt khoảng 51% so với trung bình nhiều năm (trừ hồ Bản Chát), tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong mùa lũ (từ 15.6 đến 15.9) chỉ đạt 14,70 tỉ m3, thấp nhất kể từ khi đưa nhà máy vào vận hành, bằng 47% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm, thấp nhất kể từ khi đưa nhà máy vào vận hành đến nay.
Cuối mùa lũ tình hình nước về hồ vẫn không được cải thiện, khả năng hạn hán, thiếu nước kéo dài, đặc biệt hồ Hòa Bình vừa phải tích nước hồ để đảm bảo xả nước phục vụ nông nghiệp cho vụ Đông – Xuân đầu năm 2020, vừa phải phát điện và nước duy trì dòng chảy và cấp nước sinh hoạt cho hạ lưu là hết sức khó khăn.
Mực nước thấp, ảnh hưởng lớn đến tình hình cấp điện trong năm tới.
Theo ông Minh, việc mực nước xuống thấp kỷ lục, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát điện thời gian tới. "Nước hồ chỉ còn trên 92 mét, thấp hơn 15 mét so với mực nước bình thường, quy đổi ra, hiện hồ thủy điện đang thiếu 2,9 tỉ m3 nước, tính ra điện tương đương 680 triệu Kw/h
"Thời gian tới, hồ phải đảm bảo tình hình cấp nước gieo cấy vụ Đông Xuân. Việc này gây khó khăn rất lớn trong việc cấp điện vào mùa khô năm 2020", ông Minh cho hay.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc mực nước hồ thủy điện "chạm đáy" như vậy, liệu mùa khô năm tới có phải cắt điện luân phiên, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình khẳng định, việc điều hành hệ thống điện cần phải tính toán kỹ, để không ảnh hưởng đến việc cấp điện cho nhân dân. Tuy nhiên, ít nhiều việc cấp điện cũng sẽ khó khăn hơn trước đây.