Khiếu nại tố cáo không đúng sự thật và muôn kiểu lấn chiếm đất
Vừa qua, UBND huyện Xuyên Mộc đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo công an điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi mua bán, chuyển nhượng trái phép đất Dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm. Cụ thể, các đối tượng này mua, bán bằng giấy tay, làm phát sinh các khiếu nại, tranh chấp phức tạp, tạo điểm nóng về an ninh trật tự, cản trở chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể, UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm kéo dài là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tranh chấp phức tạp. Được biết, UBND Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập các thủ tục pháp lý để tổ chức cưỡng chế giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Theo đó, vụ việc điển hình này bắt nguồn từ việc giải quyết đơn của ông H.V.P và một số hộ dân tại dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm, xã Phước Thuận. Mặc dù, UBND Xuyên Mộc đã có những xác nhận về nguồn gốc đất, tình hình triển khai dự án này, tuy nhiên trong quá trình triển khai thì có nhiều vướng mắc do hành vi cản trở thậm chí vu khống của ông H.V.P.
Đáng chú ý, tại báo cáo gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì UBND huyện Xuyên Mộc còn thể hiện việc ông P. có đơn phản ánh việc Công ty Trung Sơn cho người đến đập phá tài sản chiếm đất của ông này. Sau khi nhận được phản ánh chính quyền đã cho xác minh, tuy nhiên việc phản ánh của ông P. là không đúng sự thật.
Đây chỉ là một vụ việc điển hình diễn ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nghiêm trọng hơn ở chỗ là nó đã gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, xử lý do việc tranh chấp kéo dài.
Một số nơi xảy ra nhiều vụ việc lấn chiếm, tranh chấp kéo dài như TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền…
Theo cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, vừa qua hàng loạt các vụ lấn chiếm đất công và sang nhượng trái phép bị phát hiện thời gian qua do một số đối tượng thực hiện đã dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Một số địa phương của tỉnh điển hình việc xảy ra các tình trạng này có thể kể đến như: TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền…
Có thể kể đến vụ việc nổi cộm tại UBND TP Vũng Tàu đó là dự án khu tái định cư 10 ha (Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý nằm dọc đường 3 Tháng 2 thuộc Phường 10 và phường 11) nằm trong diện tích 58 ha được thành phố triển khai thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng từ lâu. Do diện tích đất rộng, không có tường bao bảo vệ cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên 28 hộ dân, cá nhân lấn chiếm (diện tích gần 3.000 m2), xây nhà ở từ năm 2005 và diễn ra trong một thời gian dài.
Liên quan đến vụ việc trên, TP Vũng Tàu nhiều lần đối thoại, yêu cầu người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời thành phố kiên quyết xử lý thu hồi, cưỡng chế. Được biết, trên địa bàn thành phố còn có nhiều diện tích đất do nhà nước quản lý bị người dân lấn chiếm, xây nhà trái phép. Thành phố đã giao các phòng chuyên môn, cơ quan công an xác minh, điều tra xử lý.
Tại huyện Long Điền, một lãnh đạo phòng chuyên môn cho biết, cá biệt còn có đối tượng đến các xưởng đóng ghe tại địa phương và cho biết đây là đất của họ, đề nghị sắp tới trả lại đất. Hay trớ trêu hơn là huyện này đầu tư xây dựng trường học trên một khu đất thì phát hiện có đối tượng đã chiếm giữ và không cho địa phương thực hiện xây dựng công trình.
Tại thành phố Bà Rịa, khoảng 1.000m2 đất rừng phòng hộ đã bị một hộ dân đang nhận khoán trồng rừng lấn chiếm, cấp đất cho 5 hộ dân vào xây nhà. Khi các căn nhà đã có người vào ở và gần hoàn thiện, chủ rừng mới phát hiện và báo cho chính quyền xử lý.
UBND xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cắm bảng cảnh báo. (Ảnh: Thanh niên)
Hành vi lấn chiếm đất cần phải được nghiêm trị
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có Văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên cần xây dựng phương án khai thác quỹ đất công; triển khai ngay việc tiến hành đo đạc, cắm mốc đối với những khu đất chưa có bản đồ hoặc mốc để quản lý. Đặc biệt, nghiêm cấm để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công. Nếu có vi phạm, trách nhiệm thuộc về các cơ quan, đơn vị được giao quản lý và khai thác.
Yêu cầu rà soát quá trình sử dụng đất, tình hình thực tế diện tích đất công nhưng còn nhiều hộ dân sinh sống, canh tác để có phương án xử lý di dời hoặc sắp xếp bố trí lại cho phù hợp; đất công bị lấn chiếm, có tranh chấp cần xem xét nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất để giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật; chủ động lập phương án và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, việc quản lý quỹ đất công trên mỗi địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Công tác quản lý, sử dụng đất công là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, thời gian tới, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất, đồng bộ của các ngành, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các đoàn thể và toàn thể nhân dân”.
Có thể thấy, việc lấn chiếm, chiếm đoạt, làm biến dạng đất là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về đất đai. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy ngày càng nhiều người dân có thể dễ dàng thực hiện được hành vi này mà không bị xử lý, hoặc có xử lý chỉ là hình thức. Nộp phạt xong họ vẫn tiếp tục làm, rồi từ từ hợp thức hóa thành đất của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, làm cho tình hình an ninh trật tự ở cơ sở thêm phức tạp. Trong đó, có cả những người hiểu rất rõ về luật, nhưng cố tình vi phạm. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp này, không chỉ vậy, cần xử lý cả cán bộ, công chức làm sai, tiếp tay cho hành động sai trái.
Bảo Hà - Pháp luật Plus