Nền kinh tế Đức: Chặng đường gập ghềnh còn ở phía trước
Kinhte&Xahoi
Mặc dù đã thoát “đáy” suy thoái, nhưng hàng loạt diễn biến trái chiều trong các chỉ số quan trọng tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Đức. Thực trạng này cho thấy tia hy vọng cuối đường hầm về một lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Mặc dù đã thoát “đáy” suy thoái, nhưng hàng loạt diễn biến trái chiều trong các chỉ số quan trọng tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Đức. Thực trạng này cho thấy tia hy vọng cuối đường hầm về một lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn chưa thực sự rõ ràng.Nhiều gánh nặng đang đè lên ngành sản xuất của Đức, dù đây là trụ cột chính của nền kinh tế số một châu Âu.
Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II-2023 đã chững lại, tăng trưởng 0% so với quý đầu năm.
Như vậy, nền kinh tế Đức đã thoát khỏi suy thoái sau khi hai quý liên tiếp trước đó tăng trưởng âm (âm 0,4% trong quý IV-2022 và âm 0,1% trong quý I-2023).
Điểm sáng là xuất khẩu tăng khoảng 3,3% lên 797,8 tỷ euro, trong khi giá trị hàng hóa nhập khẩu giảm 4,3% xuống còn 699,1 tỷ euro. Do đó, thặng dư thương mại trong nửa đầu năm 2023 của nền kinh tế số một châu Âu đã tăng hơn gấp hai lần, lên 98,7 tỷ euro (108,6 tỷ USD). Phương tiện đi lại và phụ tùng ô tô là nhóm hàng của Đức bán chạy nhất ở nước ngoài, đạt 136,5 tỷ euro. Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) cho biết, xuất khẩu ô tô của nước này trong nửa đầu năm tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,7 triệu chiếc.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp là trụ đỡ giúp GDP của Đức sụt giảm không quá lớn trong mùa đông vừa qua. Tuy nhiên, lĩnh vực này lại đang khiến nền kinh tế Đức trì trệ. Chuyên gia kinh tế Fritzi Köhler-Geib của Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) nhận định, ngành công nghiệp Đức đang gây thất vọng vì sản xuất vẫn đình trệ mặc dù các vấn đề về chuỗi cung ứng đã giảm bớt và giá năng lượng hiện đã ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm mạnh đã kéo lùi nền sản xuất Đức. Trong khi đơn đặt hàng trong nước tăng 0,3% trong tháng 5-2023 thì đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm 1%.
Về lâu dài, tập đoàn kiểm toán PwC cho rằng, khả năng phục hồi của ngành công nghiệp Đức, nền tảng của nền kinh tế đất nước, chậm hơn so với mức trung bình của các ngành khác và “tình hình đang trở nên tồi tệ hơn”. Lãi suất tăng cao, thủ tục hành chính còn cồng kềnh… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng yếu của nền kinh tế Đức.
Một yếu tố khác là lạm phát, với tháng 7-2023 ở mức 6,2%. Giá tiêu dùng ở Đức dù giảm nhưng vẫn cao hơn so với mức trung bình của toàn bộ khu vực đồng euro (eurozone). Giá các mặt hàng thực phẩm nói chung cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là bánh mỳ, các sản phẩm ngũ cốc và rau củ tăng 16%. Giá lương thực cao được cho là yếu tố tiếp tục giữ lạm phát cao hơn bình thường.
Cũng trong tháng vừa qua, chi phí năng lượng đã tăng 5,7%, trong đó riêng giá điện tăng hơn 17,6%. Nếu không bao gồm giá lương thực và năng lượng trong số liệu thống kê, lạm phát trong tháng 7-2023 của Đức sẽ ở mức 5,5%. Lạm phát cao tác động tới doanh thu các doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn và phục hồi kém hơn dự kiến. Một khảo sát do Hiệp hội các công ty tầm trung (ZGV) tại Đức mô tả, có tới 49% trong số 42.000 công ty được khảo sát đã báo cáo doanh số giảm trong quý II-2023.
Như thế, có thể nói, kinh tế Đức dù đã thoát suy thoái trong quý II-2023 nhưng vẫn trong trạng thái trì trệ. Những nguyên nhân khiến nền kinh tế hàng đầu châu Âu suy yếu được dự báo tiếp tục tồn tại, đồng nghĩa chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tiến triển.
Thực tế, các chỉ số kinh tế hàng đầu vẫn có xu hướng đi xuống. Chỉ số môi trường kinh doanh đã giảm từ 88,6 điểm trong tháng 6-2023 xuống còn 87,3 điểm trong tháng 7-2023. Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp chỉ số được coi là kim chỉ nam của nền kinh tế này suy giảm. Ngày càng có nhiều chuyên gia nhận định rằng, nền kinh tế Đức có thể tiếp tục suy giảm trở lại trong quý III-2023. Đức cũng là nền kinh tế lớn duy nhất bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự đoán tăng trưởng trong lần công bố mới nhất, với mức suy giảm 0,3% trong năm 2023, tương tự mức dự báo của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank).
Nhìn chung, sau giai đoạn khởi động không mấy thuận lợi năm 2023, nền kinh tế Đức sẽ còn một chặng đường gập ghềnh phía trước. Trong giai đoạn đặc biệt phức tạp hiện nay, giới chức nước này cần sớm đưa ra một kế hoạch để cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình. Một nỗ lực như vậy sẽ có nhiều thuận lợi khi tình hình ở Đức không quá giống với một cuộc suy thoái kinh tế, trong khi số lượng việc làm ở quốc gia này vẫn dồi dào. Những gì Đức cần là một động lực thúc đẩy có mục tiêu cho đầu tư và sự phục hồi của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Hoàng Linh - Hà Nội mới