Nga dự kiến chi hơn 130 tỷ USD đầu tư cho 12 “siêu” dự án công nghệ
Kinhte&Xahoi
Theo truyền thông quốc tế, nền kinh tế Nga trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với giá hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng, trong khi thâm hụt ngân sách đã vượt quá 3.000 tỷ ruble năm thứ hai liên tiếp.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa. Tại Thông điệp Liên bang được Tổng thống Putin đọc trước Quốc hội vào cuối tháng 2-2024, ông chủ Điện Kremlin đã nhấn mạnh tới yếu tố chủ quyền của nền kinh tế trước áp lực của các lệnh trừng phạt. Các ý kiến chuyên môn cho rằng, với bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Nga. Trong năm 2023, ngành này đã chiếm tới 1/3 tăng trưởng của Nga, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Phân tích nội dung Thông điệp Liên bang năm 2024, các nguồn tin cũng cho rằng, Nga sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học, tăng tỷ trọng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao trên thị trường nội địa, khởi động 5 dự án quốc gia đầy tham vọng, bao gồm “Gia đình”, “Cuộc sống lâu dài và năng động”, “Nhân sự”, “Kinh tế dữ liệu” và “Thanh niên Nga”. Đây được xem là chìa khóa giúp Nga củng cố sự ổn định trước áp lực trừng phạt.
Trong chủ quyền về kinh tế, chủ quyền về công nghệ được Nga coi là định hướng tương lai, là yếu tố giúp phát triển nền kinh tế bền vững. Chính phủ Nga dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ ruble (hơn 130 tỷ USD) để đầu tư cho 12 “siêu” dự án về công nghệ kể từ năm 2025, nhằm thay thế nhập khẩu. Những dự án này bao gồm: “Bảo đảm an ninh lương thực”, “Chế tạo máy công cụ và kỹ thuật robot”, “Công nghệ y học mới”, “Vật liệu và hóa học mới”, “Phát triển máy bay không người lái”, “Vi điện tử”, “Hàng không dân dụng”, “Phát triển ngành công nghiệp vũ trụ”, “Sản xuất tàu và thiết bị tàu thủy”, “Khoa học và trường đại học”, “Kinh tế dữ liệu” và “Nguyên tử và nguồn năng lượng mới".
Đối với cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ Nga đang hướng tới, các ý kiến nhận định tỷ trọng xuất khẩu sẽ giảm xuống, nhường chỗ cho những nỗ lực bảo đảm nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ngoại thương vẫn sẽ là một lĩnh vực quan trọng để bảo đảm ổn định cho nền kinh tế vốn từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu khoáng sản.
Nguyễn Hoàng - Hà Nội mới