Nga rút khỏi Hội đồng châu Âu - Bắc Cực Barent
Kinhte&Xahoi
Ngày 19-9, theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Mátxcơva đã ra quyết định rút khỏi Hội đồng châu Âu - Bắc Cực Barent (BEAC).
Tuyên bố nêu rõ, BEAC “là một định dạng hữu ích và hiệu quả cho sự tương tác xuyên biên giới” trong suốt 30 năm, đã góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, các hoạt động của BEAC đã bị tê liệt kể từ tháng 3-2022 do các thành viên phương Tây trong hội đồng chưa xác nhận sẵn sàng chuyển giao chức chủ tịch cho Nga vào tháng 10-2023.
“Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi buộc phải tuyên bố rút Nga khỏi BEAC”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Quân nhân Nga tại căn cứ quân sự Nagurskoye ở Bắc Cực. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, TASS đưa tin, sau quyết định rời BEAC, Nga vẫn sẽ tiếp tục phát triển hợp tác ở Bắc Cực với các quốc gia ngoài khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ.
Nikita Lipunov, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Quan hệ quốc tế Nhà nước Mátxcơva cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác mà Nga đã tích cực hợp tác về các vấn đề liên quan đến Bắc Cực.
Nhà phân tích chuyên về Bắc Cực và Bắc Âu cũng nhận định, việc Nga rút khỏi BEAC là “hợp lý và tự nhiên trong quá trình gỡ bỏ dần hệ thống hợp tác quốc tế đa phương ở Bắc Cực” vốn do phương Tây khởi xướng sau tháng 2-2022.
Công việc của BEAC về cơ bản đã đình trệ từ tháng 3-2022. Quyết định rút lui của Nga được thúc đẩy bởi thực tế là Phần Lan, quốc gia giữ chức chủ tịch BEAC trong 2 năm qua, đã không đảm bảo việc chuyển giao chức chủ tịch cho Mátxcơva vào năm 2022. Tháng 10 vừa qua, Phần Lan đã từ chối chuyển giao, do đó vi phạm các quy tắc của hội đồng.
Tuy nhiên, việc Nga rút khỏi BEAC không phải là dấu chấm hết cho sự hợp tác đa phương giữa các quốc gia Bắc Cực. Nga vẫn là thành viên của Hội đồng Bắc Cực - nền tảng quốc tế chính trong khu vực - và quyết tâm hoạt động mang tính xây dựng nếu các quyền của quốc gia này được tôn trọng và lợi ích được tính đến.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới