Nga vẫn là mắt xích quan trọng của thương mại toàn cầu bất chấp trừng phạt
Kinhte&Xahoi
Quan điểm được Tổng thống Nga nêu rõ trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg đang diễn ra.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Ảnh: CFP
Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, xứ Bạch dương vẫn là một trong những bên tham gia chính trong chuỗi thương mại toàn cầu, bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề mà phương Tây áp đặt.
Đặt ra một loạt tham vọng cho nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD của Nga, ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sẽ cắt giảm nhập khẩu, tăng cường đáng kể việc sử dụng các loại tiền tệ ngoài phương Tây trong thanh toán thương mại và kêu gọi mở rộng thị trường tài chính trong nước.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga sẽ tìm cách tăng tỷ lệ giao dịch bằng tiền tệ của các nước thuộc nhóm BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Cũng theo Tổng thống Vladimir Putin, thương mại giữa Nga với châu Á đang tăng vọt và gần 40% thương mại bên ngoài của Nga hiện được thực hiện bằng đồng rúp. Ngược lại, tỷ trọng bằng USD, euro và các loại tiền tệ khác của phương Tây liên tục giảm.
Tổng thống Nga cũng chia sẻ về kế hoạch cải tổ thị trường tài chính trong nước. Theo kế hoạch, Nga đặt mục tiêu đẩy giá trị thị trường chứng khoán tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này, đồng thời giảm nhập khẩu và tăng cường đầu tư vào tài sản cố định.
Phương Tây đã tìm cách cô lập nền kinh tế có quy mô 2.000 tỷ USD của Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay bất chấp lệnh trừng phạt.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng dự kiến hầu hết các nước lớn phương Tây.
Theo Mátxcơva, những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các ngành công nghiệp quan trọng của nước này đã khiến Nga tự chủ hơn trong bối cảnh tiêu dùng tư nhân và đầu tư trong nước vẫn ổn định.
Hoàng Linh - Hà Nội mới