Nhật Bản tìm cách giảm thiểu hậu quả từ bê bối lĩnh vực sản xuất xe
Kinhte&Xahoi
Ngày 7-6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cam kết, Tokyo sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại kinh tế do bê bối đang xảy ra tại các hãng xe của nước này.
Toyota Corolla Fielder là mẫu station wagon của sedan Corolla Axio (tương tự Altis phổ biến tại Việt Nam). Ảnh: Kyodo
Theo hãng thông tấn Kyodo, phát biểu của ông Hayashi Yoshimasa được đưa ra trong bối cảnh bê bối về giám sát chất lượng sản phẩm của ngành sản xuất ô tô - xe máy Nhật Bản tiếp tục lan rộng.
Động thái mới nhất là Toyota, Mazda tạm ngừng sản xuất một số mẫu xe, nhằm có thời gian củng cố và khắc phục những thiếu sót trong quy trình thử nghiệm.
Theo công bố, Toyota tạm thời ngừng sản xuất Corolla Fielder và Corolla Axio tại các nhà máy ở Miyagi và Iwate. Thời gian gián đoạn dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 28-6. Những công nhân bị ảnh hưởng bởi gián đoạn được điều động sản xuất các dòng xe khác.
Trong khi đó, Mazda ngừng sản xuất hai mẫu xe gồm: Mazda 2 1.5L và Roadster RF 1.5L, tại nhà máy Yamaguchi và Hiroshima. Việc nối lại sản xuất của hãng này hiện chưa thể xác định. Các công nhân của Mazda bị ảnh hưởng bởi việc đình chỉ sản xuất sẽ được lên kế hoạch tham gia các khóa đào tạo.
Ngoài Toyota, Mazda, Honda, Yamaha và Suzuki cũng thừa nhận những sai sót trong thủ tục đánh giá sản phẩm để xin cấp chứng nhận chất lượng phục vụ sản xuất hàng loạt.
Sự gián đoạn trong sản xuất phương tiện - một trụ cột quan trọng - đã khiến kinh tế Nhật Bản vốn đang khó khăn lại càng thêm trầm trọng. Quý đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đã suy giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân chính được xác định là sự gián đoạn sản xuất ô tô sau khi Daihatsu (thuộc Toyota) gặp bê bối dữ liệu, khiến việc sản xuất tại hàng loạt công ty thuộc ngành công nghiệp ô tô quan trọng của Nhật Bản phải tạm dừng. Ngay sau khi bê bối xuất hiện, doanh số ô tô mới của Nhật Bản tháng 1-2024 đã giảm tới 12,4% so với một năm trước đó, là lần giảm đầu tiên trong 17 tháng.
Daihatsu, cùng với Suzuki, là nhà cung cấp chính của dòng xe đô thị cỡ nhỏ "kei-car", vốn được người tiêu dùng Nhật Bản đặc biệt ưa chuộng. Sự gián đoạn của 2 "ông lớn" khiến lượng tiêu thụ của loại xe này lao dốc. Hiệp hội Xe cơ giới và Xe máy hạng nhẹ Nhật Bản cho biết, doanh số 117.912 của xe loại này ghi nhận vào tháng 1-2024 là mức doanh số tháng thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1999.
Theo Chánh Văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản sẽ tiếp tục điều tra bê bối của các nhà sản xuất phương tiện và sẽ tìm cách kiểm soát thiệt hại kinh tế phát sinh.
Mặc dù lạc quan rằng quy mô của đợt bê bối mới nhỏ hơn so với những gì xảy ra với Daihatsu vừa qua, quan chức nước này cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan của Nhật Bản phối hợp chặt chẽ để giảm thiểu hậu quả mà nền kinh tế đất nước có thể phải gánh chịu.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh - Hà Nội mới