Nhiều lãnh đạo cấp cao xin từ chức, PG Bank sắp họp cổ đông bất thường
Kinhte&Xahoi
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex vừa công bố đơn từ nhiệm của 3 nhân sự cấp cao. Cả 3 người đều cùng từ nhiệm với lý do cá nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnambiz)
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã: PGB) vừa công bố đơn từ nhiệm của 3 nhân sự cấp cao gồm ông Oliver Schwarzhaupt, ông Nilesh Ratilal Banglorewala - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và bà Dương Ánh Tuyết - Thành viên Ban kiểm soát.
Cả 3 người đều cùng từ nhiệm với lý do cá nhân.
Sau những thông tin biến động nhân sự nêu trên, PG Bank đã thông báo chốt ngày họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, tổ chức vào ngày 23/10/2023 tại tỉnh Ninh Bình.
Ngân hàng dự kiến trình cổ đông kiện toàn nhân sự thuộc HĐQT, Ban Kiểm soát; kế hoạch tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính; phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.
Theo đó, PG Bank trình cổ đông giảm số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 9 thành viên, xuống còn tối đa 7 thành viên (tối thiểu 1 thành viên HĐQT). Trong đó, số lượng thành viên dự kiến bầu trong Đại hội bất thường tối đa là 6 thành viên vào nhiệm kỳ.
Đồng thời giảm số lượng Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 4 thành viên, xuống 3 thành viên. Trong đó, số lượng thành viên dự kiến bầu trong Đại hội bất thường là 2 thành viên.
Trong quý 2/2023, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 150 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của PG Bank cũng tăng 26,3%, đạt trên 120 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm 2023, PG Bank ghi nhận lãi trước thuế hơn 303 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 242 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,6% và tăng 24,1% so với năm 2022.
Theo đó, lợi nhuận thuần của ngân hàng này hầu như đi ngang, nhưng nhờ cắt giảm dự phòng hơn 39% về còn 87 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế vẫn tăng.
Tổng tài sản ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 ở mức gần 46.987 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Nhìn vào cấu trúc tài sản, cho vay khách hàng của PGBank tăng 4,13% trong 6 tháng đầu năm lên mức 30.250 tỷ đồng.
Theo chiều ngược lại, dư nợ của hoạt động mua nợ giảm hơn 59% xuống còn hơn 1.316 hơn tỷ đồng. Đồng thời, quy mô danh mục chứng khoán đầu tư giảm hơn 20% về còn 2.776 tỷ đồng.
Như vậy, sự sụt giảm quy mô tài sản của PGBank trong nửa đầu năm chủ yếu do sự thu hẹp của hoạt động mua nợ và danh mục chứng khoán đầu tư.
Xét về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của PGBank giảm nhẹ 32 tỷ xuống mức 31.228 tỷ đồng. Đây là là lần đầu tiên trong nhiều năm qua ngân hàng bị sụt giảm tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đầu năm.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) của PG Bank tăng 12,7% sau 6 tháng đầu năm, lên 839 tỷ đồng.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 62,2 tỷ đồng lên hơn 146,4 tỷ đồng.
Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng từ gần 119,5 tỷ đồng lên mức hơn 141,8 tỷ đồng.
Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm nhẹ từ 562,7 tỷ đồng xuống còn hơn 550,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ nhóm 5 lại chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngân hàng, lên đến 66% tổng nợ xấu.
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của PGBank theo đó đã tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,77% vào cuối quý 2/2023
Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus