Cần nhìn nhận sự việc để rút kinh nghiệm
Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền, ngày 04/06/2024 vừa qua, Trung tâm phát triển quỹ đất, Phòng Quản lý đô thị TP.Sông Công đã phối hợp cùng UBND phường Bách Quang tổ chức đối thoại cùng người dân nhằm tiếp thu, trao đổi và làm rõ một số nội dung khiếu nại trước khi thực hiện Dự án khu dân cư Bách Quang.
Quá trình đối thoại, các hộ gia đình luôn đồng thuận cho Liên danh Nalico – Trung Thành là nhà đầu tư phát triển dự án, nhằm thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế.
Nhưng người dân quan ngại việc chủ đầu tư, UBND TP. Sông Công chưa tham vấn cộng đồng dân cư trong đồ án quy hoạch Dự án khu dân cư Bách Quang mà vẫn được duyệt quy hoạch chi tiết là sai quy định của pháp luật và thiếu tính dân chủ cơ sở; quá trình phát triển Dự án không phổ biến cho người dân hay biết dẫn đến khiếu nại trong công tác thu hồi đất tại địa phương.
Trước những kiến nghị trên, ông Nguyễn Tuấn Hùng - Trưởng Phòng quản lý đô thị TP.Sông Công thừa nhận: “Việc phổ biến quá trình triển khai Dự án khu dân cư Bách Quang chưa rõ ràng đến người dân là một thiếu sót của TP.Sông Công.
Quá trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Đồ án quy hoạch khu dân cư chưa đầy đủ cũng đã gây bức xúc trong dân kéo dài. Do vậy, rất mong nhận được sự đồng cảm từ nhân dân”.
Mới đây, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chánh văn phòng TP.Sông Công nhằm tiếp cận quy trình, kế hoạch xử lý thiếu sót khi phát triển Dự án khu dân cư Bách Quang được biết: “Hiện nay, mọi khúc mắc của người dân kiến nghị về Dự án đã được thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm, không còn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại trong dân”.
Việc phổ biến quá trình triển khai Dự án khu dân cư Bách Quang người dân cho rằng chưa rõ ràng
Trước câu trả lời từ đại diện Văn phòng UBND TP.Sông Công, ông Dương Quang Thái (đại diện của 18 hộ dân có đơn khiếu nại) khẳng định: “Quá trình khiếu nại về Đồ án quy hoạch Dự án khu dân cư Bách Quang thiếu ý kiến cộng đồng dân cư là sai quy định Luật Xây dựng, Luật Đô thị, thiếu dân chủ cơ sở…
Người dân đang yêu cầu TP.Sông Công, chủ đầu tư lập lại nhiệm vụ quy hoạch hoặc Đồ án quy hoạch, không có chuyện kết thúc khiếu nại”.
Cần lập lại Đồ án quy hoạch
Như đã thông tin trước đó về việc đầu tư xây dựng Dự án khu dân cư Bách Quang, người dân chưa được nắm bắt, phổ biến hay tiếp cận thông tin về Dự án; việc lấy ý kiến đóng góp về Đồ án quy hoạch khu dân cư cũng có nhiều thiếu sót…
Nhưng tại Văn bản số 810/UBND-QLĐT, TP. Sông Công khẳng định trước khi thực hiện Dự án trên đã lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Đồ án quy hoạch chi tiết.
Theo đó, để làm rõ khiếu nại của người dân phường Bách Quang yêu cầu UBND TP.Sông Công cung cấp tài liệu về phiếu điều tra, phỏng vấn, biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư… nhằm chứng minh nội dung Văn bản số 810/UBND-QLĐT là đúng, tuy nhiên, TP.Sông Công chưa cung cấp được văn bản này.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Luật Tiếp cận thông tin 2016, người dân được yêu cầu cung cấp các thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai; Thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật; Thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.
Trong tình huống như vậy, việc cung cấp tài liệu liên quan đến quá trình lấy ý kiến gồm phiếu điều tra, biên bản tổng hợp ý kiến…sẽ giúp làm rõ quy trình và đảm bảo rằng mọi quyết định đều tuân theo quy định pháp luật.
Điều này không chỉ phù hợp với quy định pháp luật mà còn giúp tăng cường tính minh bạch về dự án.
Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng quy định việc lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch xây dựng là bước quan trọng không thể bỏ qua.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
Trường hợp UBND TP.Sông Công, chủ đầu tư thực hiện dự án không tuân theo khoản 3, Điều 21, Luật Quy hoạch số 30/2009/QH12; Điều 16 Luật Xây dựng quy định "Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng", và Điều 17 quy định "Hình thức, thời gian lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng" chỉ rõ: "Cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng".
Nếu cơ quan, chủ đầu tư không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 1, Điều 10 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Trường hợp điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh có thể bị phạt tiền từ 250.000.000đ đến 300.000.000đ.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm cần thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng đúng quy định đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng công trình và buộc điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng công trình.
Như vậy, nếu cơ quan hoặc chủ đầu tư không thực hiện việc lấy ý kiến hoặc thực hiện không đúng quy định, hậu quả có thể bao gồm việc phải lập lại nhiệm vụ quy hoạch hoặc đồ án quy hoạch.
Điều này nhằm đảm bảo rằng mọi quyết định về quy hoạch đều phản ánh đúng ý kiến của cộng đồng và các bên liên quan, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
phapluatplus.vn