Đất tại khu TĐC được cấp cho người dân nhưng đến nay nhiều lô vẫn bỏ trống vì chưa có tiền xây nhà ở.
Hiện việc thực hiện TĐC cho người dân ở Quảng Ngạn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, phần do điều kiện kinh tế của người dân, phần do hạ tầng khu TĐC chưa đồng bộ. Hơn nữa, khu TĐC này cũng đang xen ghép vào các khu dân cư chứ chưa tập trung nên người dân còn e ngại.
Được cấp đất nhưng tiền đâu xây nhà?
Dưới cái nắng gay gắt giữa trung tuần tháng 7, chúng tôi tìm về vùng bãi ngang ven biển ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Tại thôn 11, xã Quảng Ngạn, nằm ở cuối con đường chật hẹp chỉ vừa một chiếc xe Honda đi qua là nhà của ngư dân Trần Ới (62 tuổi). Hộ ông Ới là một trong những hộ nằm trong vùng ảnh hưởng do xâm thực bờ biển.
Trước mặt chúng tôi là ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ, xuống cấp với đầy vết nứt nẻ. Ông Ới cho biết, thuở ấy ông với bà Hồ Thị Giá nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng hạnh phúc trên mảnh đất quê cha đất tổ với nghề đánh cá.
Đã hơn 40 năm nay, ông suốt năm suốt tháng bám biển mưu sinh. Hạnh phúc của đôi vợ chồng là 10 người con lần lượt chào đời, nhưng cái khó mãi đeo bám gia đình lão ngư khiến phần lớn con cái phải dang dở con chữ để đi làm ăn xa, đỡ đần cho cha mẹ. Dù đã tuổi cao, hàng ngày ông Ới vẫn bám biển mưu sinh vì là lao động chính trong gia đình.
Năm 2013, thực hiện chủ trương di dân vùng sạt lở ven biển, gia đình ông Ới được chính quyền địa phương vận động đến khu TĐC với 200m2 đất ở được cấp. Tưởng chừng sẽ thoát cảnh bao năm sống lơ lửng trước miệng “hà bá”, thế nhưng một năm sau đó, không may một bất hạnh đã ập đến với gia đình ông khiến vợ ông phải chịu tật nguyền không thể lao động.
Khó khăn chồng chất, khiến kinh tế gia đình ông ngày càng trở nên kiệt quệ. Vì thế đến nay gia đình ông vẫn chưa thể chuyển lên sinh sống ở khu TĐC. Thửa đất được Nhà nước cấp cho gia đình nay vẫn chỉ có cái móng nhà thô sơ.
Gia đình ngư dân Ới là một trong những hộ khó khăn lâm vào cảnh “ở thì khổ, đi cũng không xong
Cũng như nhiều hộ trong thôn, gia đình ông Hoàng Quang (thôn 11, xã Quảng Ngạn) cho biết, gia đình ông cũng được cấp một lô đất tại khu TĐC, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình ông chưa thể chuyển đến khu TĐC.
“Nếu muốn xây dựng nhà ở khu TĐC, chúng tôi cũng phải có một khoản tiền lớn. Các hộ dân nơi đây chủ yếu sống vào nghề đi biển nên cuộc sống rất khó khăn. Thế nên chúng tôi chẳng biết đến bao giờ mới chuyển lên được khu TĐC để ổn định cuộc sống”, ông Quang nói.
Theo quan sát của chúng tôi ở xóm cư dân ven biển thôn 11 của xã Quảng Ngạn, xen lẫn bên những ngôi nhà đã dỡ mái, phá tường, vẫn còn đó nhiều ngôi nhà xập xệ, chỉ một trận mưa rào kèm giông gió là có thể đổ sập.
Vẫn liều mình sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở
Từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng bốn khu TĐC với diện tích 40ha, tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng ở hai xã bãi ngang Quảng Công, Quảng Ngạn để di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Xã Quảng Ngạn được đầu tư xây dựng khu TĐC Tân Mỹ A với tổng diện tích 20ha, kinh phí hơn 3 tỷ đồng; trong đó diện tích đất ở là 4,5ha, được chia làm 115 lô, diện tích còn lại là đất sản xuất và xây dựng hệ thống giao thông, điện nước.
Theo ông Nguyễn Đình Vu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, đến nay ở xã đã có hơn 160 hộ vùng ven biển bị ảnh hưởng do việc xâm thực của biển, trong đó còn khoảng 100 hộ chưa thể di dời đến khu TĐC do chưa có kinh phí.
Hiện việc thực hiện TĐC cho người dân ở Quảng Ngạn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, phần do điều kiện kinh tế của người dân, phần do hạ tầng khu TĐC chưa đồng bộ. Hơn nữa, khu TĐC này cũng đang xen ghép vào các khu dân cư chứ chưa tập trung nên người dân còn e ngại.
Cũng như xã Quảng Ngạn, tại xã Quảng Công, hiện vẫn còn nhiều hộ dân đang liều mình sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Toàn xã Quảng Công có 204 hộ thuộc diện di dời, trong đó mới có 155 hộ đã chuyển lên các khu TĐC.
Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, dự án cấp đất cho người dân khu TĐC được triển khai, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà ở, trên diện tích mỗi lô được phân là 200m2. Thế nhưng, tại xã vẫn còn rất nhiều hộ chưa di dời lên khu TĐC.
Ngoài lý do cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng hoặc đang còn dang dở thì do đa phần những hộ dân sống ở vùng sạt lở đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hỗ trợ cho các hộ dân TĐC thấp nên người dân chưa đủ điều kiện để xây nhà ở khu TĐC.
Đã có không ít trường hợp người dân lên khu TĐC nhận đất và được cấp sổ đỏ nhưng rồi lại quay về nơi cũ để sinh sống. Trước tình hình đó, huyện Quảng Điền cùng với chính quyền xã Quảng Ngạn đã thống nhất phương án là giao tạm đất và sau khi người dân làm nhà sinh sống ổn định mới cấp sổ đỏ, còn nếu sau vài năm mà đất còn bị bỏ hoang thì sẽ rút lại.
Còn phía cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định tăng số tiền hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình đến khu TĐC thêm 10 triệu đồng, như vậy, trung bình mỗi hộ sẽ nhận 30 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở.
“Để đảm bảo an toàn cho bà con trong mùa mưa bão sắp tới, chính quyền các xã tiếp tục tăng cường vận động, kêu gọi, cùng với đó sẽ xem xét những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện vốn vay cho các hộ dân để họ sớm được chuyển lên khu TĐC sinh sống”, một vị lãnh đạo xã cho biết.