Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Theo đó, ngày 14/3/2022, nước sông Nhuệ tại cống Nhật Tựu và cống Ba Đa có màu đen, mùi hôi. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT Hà Nam đã lấy và phân tích mẫu, nồng độ các chất ô nhiễm như sau:
Tại cống Nhật Tựu: Nồng độ Amoni là 14,3 mg/L-N, vượt 47,66 lần; ôxy hoà tan là 0,92 mg/L, nhỏ hơn 5,43 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).
Tại cống Ba Đa: Nồng độ Amoni là 14,4 mg/L-N, vượt 48 lần; ôxy hoà tan là 3,07 mg/L, nhỏ hơn 1,62 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2.
Nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Hà Nam.
Chính vì vậy, ngay lập tức để hạn chế thiệt hại cho nhân dân, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị:
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam kịp thời thông báo cho các xã, phường, thị trấn ven sông Nhuệ, sông Đáy, sông Duy Tiên có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản; Chi cục Thủy lợi Hà Nam xem xét để bố trí lịch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp;
Công ty CP Nước sạch Hà Nam bố trí trực theo dõi bơm nước, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông (BVMT LVS) Nhuệ - Đáy, thời gian qua, chất lượng nước lưu vực sông (LVS) vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Môi trường nước LVS Nhuệ tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, nhiều đoạn sông nước đã bị ô nhiễm nặng, điển hình là đoạn sông Nhuệ qua địa phận thành phố Hà Nội.
Nguyên nhân của thực trạng này được Ủy ban BVMT LVS chỉ ra là do thiếu các giải pháp công trình liên quan thu gom, xử lý nước thải, công nghệ xử lý thải. Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại trong nhiều năm qua như khu vực cuối nguồn sông Nhuệ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành và ô nhiễm do nước thải công nghiệp, từ các làng nghề vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ chiếm tỷ lệ trên 65% tổng lưu lượng nước thải ra sông Nhuệ, phần lớn không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông.
Nhã An - Pháp luật Plus