Nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội: Siết chặt quản lý chất lượng
Kinhte&Xahoi
Hiện nay, Hà Nội mới chủ động được 30-65% nhu cầu nông sản các loại, số còn lại được cung cấp từ các tỉnh, thành phố… Ngành Nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường kết nối, bảo đảm nguồn cung cho thị trường; đồng thời siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm nông sản tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Trung Kiên
Chất lượng vẫn là vấn đề “nóng“
Hà Nội hiện có 189.000ha đất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng 30-65% nhu cầu các loại trên thị trường. Do vậy, việc kết nối với các tỉnh, thành phố để đưa nông sản về Thủ đô là một tất yếu. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm ở Hà Nội đã tiêu thụ 220.000 tấn nông sản của các tỉnh, thành phố…
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm chất lượng nông sản vẫn còn nhiều thách thức. 9 tháng năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã kiểm tra, giám sát và phát hiện 45/736 mẫu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đơn vị của ngành Nông nghiệp phát hiện, tiêu hủy 7.233kg hàng hóa nông, lâm, thủy sản vi phạm với tổng số tiền hơn 224,7 triệu đồng. Điển hình như lực lượng Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm từ nguồn tỉnh ngoài ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai)...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, việc liên kết, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi còn thiếu bền vững nên tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp. Chất lượng sản phẩm của từng vùng sản xuất, từng mùa vụ chưa đồng đều... Nguyên nhân là do một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu...
Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế về mẫu mã, bao bì, kiểm soát chất lượng...
Kiểm soát chặt các chuỗi cung ứng
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, Hà Nội là thị trường tiềm năng, nhưng nông sản của các địa phương muốn vào được hệ thống các kênh bán hàng hiện đại của Thủ đô trước hết phải bảo đảm chất lượng; hàng hóa có nhãn mác và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Còn Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất (quận Thanh Xuân) Trần Mạnh Chiến cho biết, các tỉnh, thành phố cần tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa để quản lý “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.
Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần có sự phản hồi về chất lượng sản phẩm cho các tỉnh, thành phố để có sự phối hợp tốt hơn trong công tác quản lý, giám sát. Mặt khác, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối cần phối hợp, hỗ trợ các địa phương từ thông tin thị trường, bao bì, nhãn mác đến cách thức vận chuyển…
Để kiểm soát chất lượng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ cao như rau, thịt, thủy sản…; đồng thời thông tin hai chiều về những vấn đề “nóng” như tình hình dịch bệnh, các hiện tượng, hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm… để các địa phương cùng chủ động phối hợp trong công tác quản lý.
Yêu cầu các tỉnh, thành phố chú trọng việc quản lý chất lượng nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương phải nắm được thông tin về đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo điều kiện kết nối cung cầu nhưng phải kiểm soát chặt chất lượng, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cùng với việc biểu dương những chuỗi cung ứng đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, cần loại bỏ những chuỗi cung ứng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố đã có chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp nông sản, thực phẩm cho Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ hội để nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, ít nhất 10% năm... Thời gian tới, cần hỗ trợ chuỗi ngành hàng theo tiêu chuẩn quốc tế để người dân trong nước được sử dụng nông sản có chất lượng tương đương hàng xuất khẩu.
|
Quỳnh Dung - Hà Nội mới