Cách đây 10 ngày, đúng 22h đêm khi đang bế con ru ngủ, chị Hạnh nhận được lệnh của cấp trên báo sáng hôm sau lên đường đi Bắc Giang chống dịch. Đêm ấy chị thức trắng, ôm con gái trong tay với tâm trạng rối bời.
Điều dưỡng Phùng Thị Hạnh đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang.
Chiều hôm trước, mẹ của bác giúp việc bị tai nạn nên đã xin nghỉ. Do lịch quá gấp nên trước mắt, chị nhờ bà nội trông con. Điều chị lo lắng nhất là bé Kem đã 19 tháng tuổi nhưng vẫn chưa cai sữa mẹ. Thường ngày đi làm, buổi trưa chị vẫn tranh thủ về nhà cho con bú. Thứ cảm giác, yêu thương mà nghĩ đến thôi cũng đủ xua tan mọi mệt nhọc, âu lo trong chị.
“Hồi cai sữa cho con, buổi tối bé Kem ngủ trong phòng với bố, tôi ngủ phòng bên. Thế nhưng cứ nghe tiếng con khóc ngằn ngặt đòi sữa, tôi lại thấy có lỗi. Bao lần quyết tâm, nào là uống thuốc tiêu sữa, nào là cho con bú sữa bình nhưng đều thất bại. Vậy là tôi để theo tự nhiên, cứ để cho con bú thêm đến năm 2 tuổi, thậm chí 3 tuổi”, nữ điều dưỡng 28 tuổi cười ngượng.
Ngày hôm sau, chị Hạnh dậy thật sớm, chỉ dám nhẹ nhàng đứng nhìn con từ xa, không dám thơm lên trán con nụ hôn tạm biệt vì sợ con thức giấc. 7h30, chị có mặt tại Bệnh viện Quân Y 103 nghe phổ biến các quy định sau đó lên đường đến Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang nhận nhiệm vụ. Ngay đêm đầu tiên xa con nhỏ, chị Hạnh bị tắc sữa, sốt li bì. Chị phải nhờ một số chị em trong đoàn hỗ trợ vắt sữa vào chai nhựa bỏ đi sau đó uống thuốc hạ sốt lấy sức khoẻ ngày hôm sau làm việc.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của nhóm bác sỹ đến từ Bệnh viện Quân y 103.
“Dù biết bé Kem ở nhà khát sữa mẹ lắm nhưng tôi không thể gửi sữa này về nhà vì công việc của tôi là trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân. Những ngày đầu, cái cảm giác nóng bức do mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ cùng với bầu ngực căng sữa khiến tôi nhiều lúc căng thẳng vô cùng.
Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, con lại òa lên, đòi bế. Nhớ con nhưng tôi đành phải tắt máy rồi quay mặt đi lau nước mắt. Dù hứa với con “ngoan, mấy hôm nữa mẹ về”, nhưng đó là nói dối. Bởi tôi cũng đâu biết trước khi nào có thể về nhà. Ở vùng dịch, tôi chỉ có thể thật cẩn thận để tránh nguy cơ lây nhiễm. Bởi nếu không may mình bị lây nhiễm, thành F0 thì thời gian được trở về bên con sẽ còn lâu hơn nữa...”, chị Hạnh tâm sự.
Cũng theo điều dưỡng Phùng Thị Hạnh, đoàn của chị đang chăm sóc, điều trị cho hơn 200 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, chị tham gia điều trị trực tiếp cho khoảng chục ca bệnh nặng. Ngoài ra ở đây còn có những bệnh nhân ngoài 70 tuổi, trẻ em 6 tuổi cùng 5 phụ nữ đang mang thai nên công việc thăm khám, điều trị hàng ngày của đoàn vô cùng vất vả.
“Hôm trước bệnh viện dã chiến nhận thêm rất nhiều bệnh nhân mới, đoàn y bác sỹ chúng tôi lại phải thu dọn đồ đạc, nhường nơi ở làm phòng điều trị. Sau đó mọi người di chuyển khoảng 10km về Trung đoàn rồi nhận phòng. 12h đêm, nhóm bác sỹ, điều dưỡng vẫn tất bật dọn dẹp, kê giường, lau sàn. 6 chị em một phòng, mỗi giường cách nhau 2m, đúng khoảng cách quy định. Do tôi gầy quá (chưa được 42kg) nên đêm nằm giường (được kê bằng các tấm gỗ) nên hay bị đau lưng, thành ra cứ trằn trọc mãi. Mà mất ngủ thì nhớ con. Bé Kem hay ngủ muộn, đêm nào cũng phải bú no sữa mới chịu ngủ. Không được ti mẹ chắc bé quấy khóc lắm”, chị Hạnh nói và cho biết, hôm nào có lệnh sáng mai đi làm sớm, chị phải uống thuốc ngủ để đêm chợp mắt vài tiếng cho đủ sức làm việc.
Bé Kem, con chị Hạnh khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi.
“Cơm lính hơi khó ăn cộng thêm tiết trời oi bức nên tôi toàn ăn mì tôm cho nhanh. Ăn nhiều đến ngán nên có hôm ngủ mơ tay cầm chiếc khẩu trang mà tôi cứ ngỡ là gói mì tôm. Buổi sáng nhận gói xôi nhưng mọi người ham việc, đến lúc tranh thủ ăn thì cảm giác chiếc thìa cắm vào muốn gãy do quá cứng. Mà ngay cả lúc ăn, mỗi người cũng ngồi 1 góc để giữ khoảng cách chứ chẳng được trò chuyện, tâm sự gì”, chị Hạnh chia sẻ về cảm giác mà bản thân đang trải qua.
Trưa 29/5, em gái gửi cho chị Hạnh đoạn video ghi lại cảnh chị xuất hiện trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Lúc này đang ăn cơm, bé Kem thấy mẹ trên tivi đã khóc oà, chìa ra đòi mẹ bế. Cả chồng chị và mọi người đều bất ngờ khi chị Hạnh đeo khẩu trang mà bé Kem vẫn nhận ra.
“Mỗi khi nhớ đến con, ngực lại đau nhói, sữa tràn về, lòng cũng xót xa. Nhưng tôi là điều dưỡng, lại là một quân nhân nên mình chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tin rằng với sự cố gắng ngày đêm của lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như sự chung tay của người dân cả nước, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để những người mẹ xa con nhỏ như tôi sớm được về nhà”, chị Hạnh bật khóc.
Trà Long - Theo KTĐT